Giá trị pháp lý của dữ liệu được ký số nước ngoài

Rất nhiều các tổ chức Việt Nam và nước ngoài khi giao dịch với nhau đều mong muốn sử dụng chữ ký số để thuận tiện trong việc ký kết, tuy nhiên, điều được các tổ chức Việt Nam lo lắng, quan ngại là liệu dữ liệu được ký bởi chữ ký số nước ngoài có giá trị pháp lý không? Và làm thế nào để chữ ký số nước ngoài có hiệu lực trong các giao dịch này?

Căn cứ theo các quy định của pháp luật về chữ ký số và chứng thư số hiện tại, có thể xem xét chấp thuận các dữ liệu/văn bản được ký bởi các chữ số nước ngoài đối với 02 trường hợp sau:

Trường hợp 1: Tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam, sử dụng chữ ký số nước ngoài đã được Bộ Thông tin và truyền thông cấp giấy phép sử dụng tại Việt Nam.

Theo đó, khi xem xét dữ liệu/văn bản sử dụng chữ ký số nước ngoài, cần đảm bảo:

– Chủ thể ký: Tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam (VD: Hiện diện thương mại tại Việt Nam (văn phòng đại diện) của tổ chức được thành lập theo quy định pháp luật nước ngoài)

– Chữ ký số: Đã được cấp giấy phép sử dụng tại Việt Nam.

Trường hợp 2: Tổ chức, cá nhân không hiện diện tại Việt Nam sử dụng chứng thư số nước ngoài được Bộ Thông tin và truyền thông chấp nhận trong giao dịch quốc tế (Điều 51 Nghị định 130/2018/NĐ-CP)

– Chủ thể ký: Tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam

– Chữ ký số: được tạo ra bởi chứng thư số nước ngoài được chấp nhận trong giao dịch quốc tế.

Pháp luật có quy định cho phép tổ chức được lựa chọn và tự chịu trách nhiệm về việc chấp nhận chứng thư số nước ngoài được chấp nhận trong giao dịch quốc tế. Do đó, có căn cứ để cho rằng chữ ký số nước ngoài được sử dụng trong trường hợp này có giá trị pháp lý.

Tuy nhiên đối với trường hợp 02 này cần lưu ý:

+ Quy định Pháp luật hiện chưa có hướng dẫn rõ ràng về loại chứng thư số được chấp nhận trong giao dịch quốc tế. Mặc dù có quy định tổ chức được lựa chọn  và chấp nhận chứng thư số được chấp nhận trong giao dịch quốc tế nhưng pháp luật không có hướng dẫn về thủ tục, cách thức để xác nhận chứng thư số được chấp nhận trong giao dịch quốc tế

+ Theo quy định, Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia có trách nhiệm công bố danh sách Chứng thư số nước ngoài được chấp nhận trong giao dịch quốc tế trên trang thông tin điện tử. Tuy nhiên, theo kiểm tra của legal, trang thông tin điện tử của Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số Quốc gia (https://www.rootca.gov.vn/) hiện đang chưa công bố danh sách này.

+ Mặt khác, tham khảo thực tế, theo xác nhận thông tin với một số Ngân hàng, thì các ngân hàng này sẽ:

– Không chấp thuận Hợp đồng/thỏa thuận được ký bởi chữ ký số

– Chứng từ, hóa đơn: Có thể xem xét chấp thuận đối với hóa đơn được ký bởi chữ ký số nhưng đảm bảo các bên tiếp nhận có thể kiểm tra, xác thực thông tin dữ liệu, chữ ký số trước khi chấp nhận dữ liệu và yêu cầu bổ sung bảng cứng có chữ ký tươi sau đó.

Do đó, Căn cứ theo các quy định hiện hành, Việc xác nhận tính tin cậy của chữ ký số nước ngoài  gặp nhiều khó khăn dẫn đến rủi ro cao trong việc các cơ quan chức năng không chấp thuận các văn bản, chứng từ có sử dụng chữ ký số nước ngoài do không kiểm soát, xác thực được tính tin cậy của chữ ký số này.

Nên cần cân nhắc trong việc sử dụng chữ ký số nước ngoài trên dữ liệu/ văn bản thay cho ký tươi vì có thể một số cơ quan sẽ không chấp nhận chữ ký số không được xác thực.