Bảo hành sản phẩm là một trong những nghĩa vụ của nhà sản xuất, thương nhân kinh doanh sản phẩm trên thị trường đối với những sản phẩm bắt buộc phải bảo hành hoặc những sản phẩm có bảo hành theo chính sách của nhà sản xuất. Vậy pháp luật quy định như thế nào về quyền yêu cầu được bảo hành và trách nhiệm bảo hành của nhà sản xuất để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng? Trong phạm vi bài viết này, sẽ chia sẻ các thông tin liên quan đến các vấn đề nêu trên.
Cơ sở pháp lý
Bộ Luật Dân sự 2015 (BLDS), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2012, Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007.
Cụ thể những nội dung về bảo hành được quy định như sau
Thứ nhất, quyền yêu cầu bảo hành của tổ chức, cá nhân mua hàng
“Trong thời hạn bảo hành, nếu bên mua phát hiện hàng hóa có khuyết tật thì có quyền yêu cầu bên bán sửa chữa mà không phải trả tiền, giảm giá, đổi vật có khuyết tật lấy vật khác hoặc trả lại vật và lấy lại tiền” (Điều 447 BLDS).
Quyền yêu cầu bảo hành phát sinh khi bên mua phát hiện hàng hóa bị lỗi do nhà sản xuất, không bao gồm những lỗi do bên mua gây nên ví dụ như làm rơi, vỡ, hoặc sử dụng thiết bị không đúng với hướng dẫn của nhà sản xuất.
Thứ hai, trách nhiệm bảo hành hàng hóa của nhà sản xuất, thương nhân kinh doanh sản phẩm
+ Bên bán có nghĩa vụ bảo hành đối với hàng hóa trong một thời hạn nhất định gọi là thời hạn bảo hành nếu việc bảo hành do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Và thời hạn bảo hành sẽ được tính từ thời điểm bên mua có nghĩa vụ phản nhận hàng hóa. (Điều 446 BLDS)
+ Trách nhiệm sửa chữa vật trong thời hạn bảo hành theo quy định tại Điều 448 BLDS:
(1) Nhà sản xuất, thương nhân kinh doanh (bên bán) sẽ phải sửa chữa hàng hóa, đảm bảo hàng hóa có đầy đủ tiêu chuẩn chất lượng hoặc đủ đặc tính như cam kết.
(2) Bên bán chịu phí sửa chữa, vận chuyển hàng hóa đến nơi sửa chữa và từ nơi sửa chữa đến trụ sở hoặc nơi cư trú của bên mua.
(3) Bên mua có quyền yêu cầu bên bán hoàn thành việc sửa chữa trong thời hạn được thỏa thuận hoặc một khoảng thời gian hợp lý; nếu bên bán không thể sửa chữa hoặc không thể hoàn thành sửa chữa trong thời hạn xác định đó thì bên mua có quyền yêu cầu bên bán giảm giá, đổi hàng hóa khuyết tật lấy hàng hóa khác hoặc trả lại và lấy lại tiền.
+ Trách nhiệm bảo hành hàng hóa theo quy định tại Điều 21 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của nhà sản xuất, thương nhân kinh doanh hàng hóa:
(1) Thực hiện nghĩa vụ bảo hành đối với những hàng hóa, linh, phụ kiện do mình cung cấp;
(2) Cung cấp cho người tiêu dùng Giấy bảo hành ghi rõ về thời gian thực hiện bảo hành. Thời gian thực hiện bảo hành không tính vào thời hạn bảo hành. Trường hợp bảo hành hàng hóa mà phải thay thế linh, phụ kiện hoặc phải đổi hàng hóa mới thì thời hạn bảo hành đối với linh, phụ kiện hoặc hàng hóa mới đó sẽ được tính lại từ thời điểm thay thế linh, phụ kiện hoặc đổi hàng hóa mới;
(3) Cung cấp hàng hóa, linh, phụ kiện tương tự cho người tiêu dùng để sử dụng tạm thời hoặc có hình thức giải quyết khác được người tiêu dùng chấp nhận trong thời gian thực hiện bảo hành;
(4) Đổi hàng hóa, linh, phụ kiện mới tương tự hoặc thu hồi hàng hóa, linh, phụ kiện và hoàn tiền cho người tiêu dùng nếu hết thời gian thực hiện bảo hành mà không sửa chữa được không thể khắc phục được lỗi;
(5) Đổi hàng hóa, linh, phụ kiện mới tương tự hoặc thu hồi hàng hóa, linh, phụ kiện và hoàn tiền cho người tiêu dùng nếu đã thực hiện bảo hành hàng hóa, linh, phụ kiện từ ba lần trở lên trong thời hạn bảo hành mà vẫn không khắc phục được lỗi;
(6) Chịu chi phí sửa chữa, vận chuyển hàng hóa, linh, phụ kiện đến nơi bảo hành và từ nơi bảo hành tới nơi cư trú của người tiêu dùng;
(7) Chịu trách nhiệm về việc bảo hành hàng hóa, linh, phụ kiện cho người tiêu dùng trong cả trường hợp ủy quyền cho bên thứ ba thực hiện việc bảo hành.
Một số lưu ý từ các quy định nêu trên
+ Thời hạn bảo hành và thời gian thực hiện bảo hành là khác nhau. Thời hạn bảo hành là thời gian bên bán có trách nhiệm đảm bảo sản phẩm, tùy từng sản phẩm và theo quy định của pháp luật, chính sách của nhà sản xuất sẽ áp dụng thời hạn bảo hành khác nhau (12 tháng, 24 tháng, 5 năm,…). Còn thời gian thực hiện bảo hành là tổng thời gian bên bán sẽ phải hoàn thành việc sửa chữa hàng hóa tính trên 01 lần phát sinh lỗi.
+ Người tiêu dùng sẽ được quyền yêu cầu thay thế hàng hóa mới hoặc yêu cầu trả lại tiền trong hai trường hợp sau:
– Hết thời gian thực hiện bảo hành mà bên bán không sửa chữa được hoặc không khắc phục được lỗi.
– Đã thực hiện bảo hành hàng hóa từ lần thứ 3 trở lên trong thời hạn bảo hành mà vẫn không khắc phục được lỗi.