Thành lập công ty hợp danh

Công ty hợp danh là một trong những loại hình doanh nghiệp không được lựa chọn nhiều như công ty cổ phần và công ty TNHH, tuy nhiên, loại hình doanh nghiệp này lại là mô hình hoạt động nhận được sự tin tưởng của khách hàng, bởi để thành lập doanh nghiệp hợp danh thì các thành viên trong công ty phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty. Đồng thời, từ tên gọi của loại hình doanh nghiệp, thì có thể cảm nhận rằng công ty hợp danh rất coi trọng về uy tín, danh dự, chất lượng của sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho khách hàng.

Công ty hợp danh là gì?

Trước hết, công ty hợp danh là một doanh nghiệp, trong đó:

+ Có ít nhất 02 thành viên là đồng sở hữu công ty, cùng kinh doanh dưới 01 tên chung (gọi là các thành viên hợp danh). Ngoài thành viên hợp danh thì công ty hợp danh có thể có thêm thành viên góp vốn tùy thuộc vào nhu cầu hoạt động của công ty.

+ Các thành viên hợp danh trong công ty phải là cá nhân và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty.

+ Các thành viên góp vốn (nếu có) có thể là tổ chức và/ hoặc cá nhân và chỉ phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty.

+ Công ty có tư cách pháp nhân từ thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

+ Công ty hợp danh sẽ không có quyền huy động vốn bằng việc phát hành chứng khoán.

Hồ sơ đăng ký thành lập công ty hợp danh

(1) Giấy đề nghị đăng ký thành lập công ty hợp danh (theo mẫu quy định tại Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp)

(2) Điều lệ công ty (tham khảo quy định tại Điều 24 Luật Doanh nghiệp 2020)

(3) Danh sách thành viên công ty hợp danh (thành viên hợp danh và thành viên góp vốn)

(4) Bản sao giấy tờ pháp lý của thành viên công ty, gồm:

+ Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên là cá nhân (CMTND, hộ chiếu hoặc CCCD bản sao hợp lệ)

+ Giấy tờ pháp lý đối với tổ chức là thành viên góp vốn công ty (Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, quyết định thành lập hoặc giấy tờ tương đương, bản sao hợp lệ)

+ Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền (CMTND, hộ chiếu hoặc CCCD bản sao hợp lệ) và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền của tổ chức góp vốn

+ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với thành viên góp vốn là doanh nghiệp nước ngoài được thành lập tại Việt Nam theo pháp luật đầu tư.

Lưu ý: Đối với những giấy tờ của nước ngoài thì cần phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định.

Thủ tục đăng ký thành lập công ty hợp danh

Thành viên công ty hợp danh hoặc người được ủy quyền đăng ký thành lập công ty hợp danh sẽ thực hiện đăng ký kinh doanh bằng một trong các phương thức là (1) Nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan đăng ký kinh doanh; (2) Nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính; (3) Nộp hồ sơ qua mạng điện tử. Lưu ý: Tùy từng địa phương có thể yêu cầu nộp hồ sơ hoàn toàn qua mạng điện tử ví dụ: Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ xem xét, đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ và cấp phép đăng ký kinh doanh. Nếu như hồ sơ chưa hợp lệ thì cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ thông báo bằng văn bản về những nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người nộp hồ sơ. Sau khi hồ sơ được sửa đổi, bổ sung thì thời hạn cấp phép đăng ký sẽ được tính lại từ đầu.

Trường hợp từ chối đăng ký sẽ phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Dịch vụ đăng ký thành lập công ty hợp danh tại Luật Định Hướng

Quý khách có nhu cầu đăng ký thành lập công ty hợp danh vui lòng liên hệ tới Luật Định Hướng để được tư vấn, hỗ trợ những vấn đề sau đây:

+ Tư vấn về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp

+ Tư vấn về các quy định của pháp luật liên quan đến công ty hợp danh: mô hình hoạt động, quyền và nghĩa vụ của thành viên công ty,…

+ Thực hiện thủ tục trọn gói đăng ký kinh doanh cho khách hàng

+ Tư vấn, giải đáp các vướng mắc phát sinh trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp về lao động, kế toán, hợp đồng, sở hữu trí tuệ, tranh chấp,… trong phạm vi cung cấp dịch vụ của Định Hướng.