Bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam

Bảo hộ kiểu dáng công nghiệp là một thủ tục bắt buộc để kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm được bảo hộ tại Việt Nam, việc đăng ký bảo hộ sẽ giúp các tổ chức, cá nhân có đầy đủ tư cách pháp lý để thực thi quyền bảo vệ kiểu dáng công nghiệp nhưng ngăn cản hoặc cho phép các tổ chức, cá nhân khác được sử dụng kiểu dáng công nghiệp của mình, khiếu nại, khiếu kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu việc sử dụng của tổ chức, cá nhân khác phương hại đến lợi ích của mình.

Một số nội dung cần lưu ý liên quan đến bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam như:

Kiểu dáng công nghiệp là gì?

Kiểu dáng công nghiệp gồm các đặc điểm về sản phẩm như hình dáng ba chiều của sản phẩm, các đặc điểm hai chiều như họa tiết, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp của các yếu tố này.  Tuy nhiên, kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ theo quy định sẽ chỉ là kiểu dáng công nghiệp đề cập đến khía cạnh về thẩm mỹ hay chính là hình dáng bên ngoài của sản phẩm mặc dù có thể kiểu dáng có thể mang đến đặc điểm kỹ thuật hoặc chức năng nhất định của sản phẩm.

Kiểu dáng có công nghiệp có thể là kiểu dáng của các dụng cụ kỹ thuật, đồ trang sức, đồ dùng gia đình, đồ chơi, đồ gỗ, hàng dệt may, bao bì, dụng cụ thể thao,… tuy nhiên các kiểu dáng này phải có thể sản xuất được hàng loạt bằng phương pháp thủ công hay công nghiệp, nếu như chi tiết quá cầu kỳ, chỉ sản xuất được một sản phẩm hay một số sản phẩm nhất định thì sẽ không được coi là kiểu dáng công nghiệp.

Điều kiện đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp

Để kiểu dáng có thể được bảo hộ tại Việt Nam thì kiểu dáng đó cần đáp ứng các điều kiện sau:

Thứ nhất, cần có tính mới. Theo đó, kiểu dáng công nghiệp cần có sự khác biệt đáng kể so với những kiểu dáng đã được bộc lộ công khai trước đó dưới bất kỳ hình thức nào trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày được hưởng quyền ưu tiên (nếu có). Trừ một số trường hợp đặc biệt như sau sẽ không bị coi là mất tính mới:

– Chỉ một số ít người biết đến kiểu dáng công nghiệp đó và có trách nhiệm giữ bí mật.

– Bị người không có quyền đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp bộc lộ công khai.

– Công bố dưới dạng báo cáo khoa học bởi người có quyền đăng ký.

– Bộc lộ dưới hình thức trưng bày trong nước hoặc quốc tế chính thức.

Theo đó, các tổ chức, cá nhân cần lưu ý vấn đề này để tránh trường hợp thông tin về kiểu dáng bị tiết lộ, hoặc đã sản xuất một loại sản phẩm rồi mới đi đăng ký thì sẽ không còn đủ điều kiện để được bảo hộ theo quy định của pháp luật về sở hữu công nghiệp.

Thứ hai, cần có tính sáng tạo. Tính sáng tạo được hiểu là kiểu dáng công nghiệp đó sẽ không được tạo ra một cách dễ dàng bởi người có hiểu biết trung bình trong lĩnh vực tương ứng.

Thứ ba, cần có khả năng áp dụng công nghiệp. Theo đó, kiểu dáng công nghiệp có thể được dùng làm mẫu để sản xuất hàng loạt các kiểu dáng công nghiệp tương tự bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công.

Những đối tượng không được bảo hộ làm kiểu dáng công nghiệp

– Hình dáng bên ngoài của sản phẩm do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có.

– Hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng công nghiệp, dân dụng.

– Hình dáng của sản phẩm không thể nhìn thấy trong quá trình sử dụng sản phẩm.

Trình tự đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam

Soạn thảo hồ sơ đăng ký

(1) Tờ khai đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp

(2) Bản mô tả, thuyết minh về kiểu dáng công nghiệp

(3) Bộ ảnh chụp hoặc ảnh vẽ kiểu dáng công nghiệp 3 chiều

(4) Biên lai thu phí, lệ phí nhà nước

(5) Giấy ủy quyền (nếu nộp đơn qua đại diện SHCN)

Nộp hồ sơ

Nộp hồ sơ trực tiếp tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam hoặc qua hai văn phòng đại diện của Cục SHTT tại thành phố Hồ Chí Minh hoặc Đà Nẵng.

Quy trình thẩm định hồ sơ

Sau khi tiếp nhận hồ sơ, thì hồ sơ sẽ được thẩm định theo quy trình 03 bước như sau:

Bước 1: Thẩm định hình thức trong vòng 01 tháng tính từ ngày nhận đơn.

Giai đoạn này sẽ đánh giá về tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký, nếu hồ sơ hợp lệ sẽ thông báo chấp nhận về hình thức, nếu không hợp lệ sẽ yêu cầu sửa đổi, bổ sung hoặc từ chối đơn đăng ký. Người nộp đơn sẽ sửa đổi, bổ sung hoặc giải trình về đơn đăng ký trong thời hạn ghi trong thông báo.

Bước 2: Công bố đơn đăng ký trong vòng 02 tháng từ ngày chấp nhận về hình thức của đơn đăng ký.

Công bố toàn bộ nội dung của đơn đăng ký trên công báo sở hữu công nghiệp.

Bước 3: Thẩm định về nội dung trong vòng 07 tháng từ ngày công bố đơn đăng ký.

Giai đoạn này sẽ đánh giá về các điều kiện để kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ như tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp.

Nếu kiểu dáng đáp ứng các điều kiện bảo hộ sẽ thông báo cấp văn bằng bảo hộ, nếu không đáp ứng điều kiện bảo hộ sẽ thông báo từ chối cấp văn bằng bảo hộ cho người nộp hồ sơ.

Lưu ý

Để hạn chế rủi ro trong việc đăng ký bảo hộ nhưng không được cấp văn bằng bảo hộ thì người đăng ký cần thực hiện tra cứu, đánh giá khả năng bảo hộ của kiểu dáng công nghiệp trước khi đăng ký để tránh trường hợp kiểu dáng không đủ khả năng bảo hộ, hoặc thuộc trường hợp không đăng ký bảo hộ được gây lãng phí thời gian, tiền bạc và công sức theo đuổi đơn đăng ký.

Trên đây là thông tin tư vấn của Luật Định Hướng về đăng ký kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi để được tư vấn, hỗ trợ thêm thông tin chi tiết.