Để bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm thực phẩm thì nhà sản xuất, chủ sở hữu đối với sản phẩm thực phẩm đó cần lưu ý bảo hộ một số đối tượng sau: nhãn hiệu thực phẩm, kiểu dáng của sản phẩm, công thức chế biến của sản phẩm. Và để bảo hộ được các đối tượng nêu trên thì doanh nghiệp cũng cần có một số kiến thức pháp luật sở hữu trí tuệ nhất định về hình thức bảo hộ, điều kiện bảo hộ cũng như các hình thức xử lý xâm phạm liên quan đến các quyền sở hữu trí tuệ đó.
Tùy từng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ (nhãn hiệu, kiểu dáng, hoặc công thức sản phẩm) thì sẽ có các cách bảo hộ khác nhau, cụ thể:
Nhãn hiệu thực phẩm
Nhãn hiệu chính là một trong những đối tượng sở hữu công nghiệp dễ bị xâm phạm nhất. Bởi nhãn hiệu rất dễ bị làm giả, khi sản phẩm của bạn được người tiêu dùng biết đến thì các đối thủ cạnh tranh trên thị trường thường có xu hướng ăn theo nên sẽ có nhiều bên sản xuất các sản phẩm với mẫu mã tương tự như sản phẩm của bạn. Có nhiều trường hợp nhãn hiệu bị trùng lặp như: nhãn hiệu mỳ “Hảo Hảo” của công ty Vina Acecook bị công ty Asia Food nhái mẫu với tên là mỳ “Hảo Hạng”; hay trường hợp công ty Liên doanh Bột Quốc tế đã nhái nhãn hiệu “bột bánh xèo Hương Xưa” giống đến 95% nhãn hiệu của công ty Liên doanh bột Sài Gòn,…
Để nhãn hiệu được pháp luật bảo hộ thì chỉ có một biện pháp duy nhất là đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ. Sau khi được cấp văn bằng bảo hộ thì chủ đơn đăng ký sẽ có độc quyền sử dụng nhãn hiệu đó trong hoạt động kinh doanh của mình. Đồng thời có quyền tự bảo vệ để ngăn cản bên khác có hành vi sử dụng những nhãn hiệu trùng, tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu mà mình đã đăng ký. Doanh nghiệp – chủ sở hữu nhãn hiệu có thể gửi văn bản yêu cầu bên khác dừng việc sử dụng nhãn hiệu đã được bảo hộ hoặc loại bỏ yếu tố vi phạm trên sản phẩm, hàng hóa vi phạm nhãn hiệu. Trong trường hợp, người có hành vi vi phạm không hợp tác thì có thể áp dụng các biện pháp như khiếu nại hành chính tới cơ quan có thẩm quyền, khởi kiện dân sự, hoặc tố cáo để áp dụng biện pháp hình sự.
Tuy nhiên, dù đã được pháp luật bảo hộ sau khi đăng ký thành công, nhưng chủ sở hữu nhãn hiệu vẫn cần phải chủ động theo dõi thị trường để khịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi xâm phạm đối với nhãn hiệu của mình, tránh các xâm phạm kéo dài, gây ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu sản phẩm của mình.
Kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm thực phẩm
Không phải sản phẩm thực phẩm nào cũng có kiểu dáng công nghiệp đủ điều kiện được bảo hộ, tuy nhiên, trong trường hợp doanh nghiệp của bạn sản xuất ra những sản phẩm có hình dáng độc đáo, đáp ứng điều kiện về tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp thì bạn có thể đăng ký kiểu dáng đó.
Tương tự như việc bảo hộ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp cũng cần đăng ký để được bảo hộ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Do đó, để có quyền tự bảo vệ đối với kiểu dáng công nghiệp thì doanh nghiệp vẫn sẽ phải tiến hành đăng ký kiểu dáng công nghiệp độc quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ.
Việc đăng ký bảo hộ đối với kiểu dáng công nghiệp phải được thực hiện trước khi đưa sản phẩm vào sản xuất hàng loạt và bán rộng rãi trên thị trường. Vì một trong những điều kiện để kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ là phải đáp ứng về tính mới (chưa được bộc lộ, công khai dưới bất kỳ hình thức nào, bất kỳ nơi nào trên thế giới trừ những trường hợp như công bố tại buổi triển lãm chính thức, bị người không có quyền công bố).
Khi phát hiện ra hành vi xâm phạm kiểu dáng công nghiệp thì doanh nghiệp có quyền yêu cầu bên vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, nếu bên đó không hợp tác thì có thể áp dụng các biện pháp như: khiếu nại hành chính, khởi kiện dân sự, tùy theo tính chất của hành vi vi phạm mà có thể tố cáo để áp dụng biện pháp truy cứu trách nhiệm hình sự.
Vì doanh nghiệp của bạn đã đầu tư chi phí phát triển kiểu dáng nên việc bảo hộ kiểu dáng bằng việc đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ sẽ đem lại cho doanh nghiệp rất nhiều quyền lợi như có căn cứ để thực thi quyền tự bảo hộ, có cơ sở để li-xăng hay chuyển nhượng kiểu dáng cho bên khác để thu khoản phí nhất định. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sau khi đăng ký bảo hộ kiểu dáng thành công cũng cần chủ động theo dõi các vi phạm trên thị trường để áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp như nêu tại đoạn trên.
Công thức chế biến sản phẩm
Để tạo ra một sản phẩm thực phẩm thì cần phải có công thức chế biến sản phẩm đó, sự khác biệt về mẫu mã, bao bì sản phẩm chỉ là vẻ bề ngoài, nhưng chất lượng thực sự bên trong sản phẩm mới là yếu tố tạo dựng được sự yêu thích và lựa chọn sản phẩm của khách hàng. Từ đó làm nên thương hiệu của doanh nghiệp.
Công thức chế biến sản phẩm sẽ không thể đăng ký để được bảo hộ như nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, nên doanh nghiệp của bạn nên bảo hộ chúng dưới dạng bí mật kinh doanh, tức là doanh nghiệp sẽ tự áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo mật các thông tin này.
Ý nghĩa của việc bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ trong kinh doanh thực phẩm
Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong kinh doanh thực phẩm không chỉ là bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà sản xuất, chủ sở các tài sản trí tuệ đối với sản phẩm thực phẩm đó mà đồng thời cũng đang bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bởi người tiêu dùng sẽ rất khó để phân biệt hàng giả, hàng nhái khi chỉ dựa vào bao bì của sản phẩm hay kiểu dáng bên ngoài.
Đồng thời việc bảo hộ này cũng sẽ khuyến khích việc nghiên cứu, phát triển công nghệ, nâng cao chất lượng của sản phẩm, tạo uy tiến cho thương hiệu của doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm. Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ còn giúp doanh nghiệp có thể duy trì giá thành sản phẩm, thu được nguồn lợi nhuận ổn định để tiếp tục ổn định sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Trên đây là một số nội dung liên quan đến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực thực phẩm, mọi thông tin pháp lý cần tư vấn xin vui lòng liên hệ trực tiếp tới Luật Định Hướng để được hỗ trợ.