Xuất xứ hàng hóa là một trong những nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn sản phẩm, hàng hóa khi lưu thông trên thị trường, chính vì vậy bắt buộc phải xác định xuất xứ của hàng hóa. Để xác định xuất xứ hàng hóa thì có nhiều tiêu chí khác nhau tùy theo nơi sản xuất, công đoạn sản xuất chính, hoặc tỷ lệ phần trăm giá trị hàng lượng thành phần nguyên liệu xuất xứ từ đâu,… và cách áp dụng tiêu chí nào sẽ tuân theo quy định tương ứng với từng loại hàng hóa.
Phạm vi bài viết tư vấn pháp luật này chỉ đề cập đến quy tắc xuất xứ không ưu đãi mà không áp dụng cho hàng hóa có cam kết hoặc thỏa thuận ưu đãi về thuế quan, phi thuế quan xác định xuất xứ theo quy tắc xuất xứ ưu đãi.
Cơ sở pháp lý
Nghị định 31/2018/NĐ – CP hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa
Thông tư 05/2018/TT- BCT quy định về xuất xứ hàng hóa
Các trường hợp về xuất xứ hàng hóa
+ Xuất xứ thuần túy: Là hàng hóa được sản xuất toàn bộ tại một nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ thuộc các trường hợp theo quy định tại Điều 7 Nghị định 31/2018/NĐ – CP (ví dụ: cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng, động vật sống, các sản phẩm thu được từ động vật sống, khoáng sản và các chất sản sinh tự nhiên.
+ Xuất xứ không thuần túy: Là hàng hóa không được sản xuất toàn bộ tại một nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ nếu hàng hóa đó đáp ứng tiêu chí xuất xứ được quy định tại Danh mục quy tắc cụ thể mặt hàng do Bộ Công thương ban hành tại Phụ lục 1 Thông tư 05/2018/TT- BCT.
Lưu ý khi xác định Danh mục quy tắc cụ thê mặt hàng của Bộ Công thương: Đối với những công đoạn gia công, chế biến đơn giản như: bảo quản hàng hóa trong quá trình lưu kho, lắp ráp đơn giản, phối trộn đơn giản, gắn nhãn mác,… theo quy định tại Điều 9 Nghị định 31/2018/NĐ – CP sẽ là trường hợp loại trừ khi xem xét để áp dụng quy tắc cụ thê mặt hàng. Cụ thể: nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ mà tại đó chỉ thực hiện công đoạn gia công, chế biến đơn giản sẽ không được tính để đánh giá về xuất xứ hàng hóa.
Xác định xuất xứ hàng hóa
Trường hợp xuất xứ thuần túy
Tổ chức, cá nhân kinh doanh sẽ căn cứ vào các trường hợp quy định từ khoản 1 đến khoản 10 để đánh giá sản phẩm của mình có thuộc trường hợp xuất xứ thuần túy hay không.
Đối với trường hợp xuất xứ không ưu đãi, không thuần túy
Áp dụng Quy tắc mặt hàng cụ thể. Theo đó, sẽ chia thành 02 tiêu chí để xác định xuất xứ hàng hóa tùy từng loại hàng hóa, Mặt hàng nào áp dụng tiêu chí nào đã được quy định cụ thể tại bảng quy tắc mặt hàng cụ thể của Bộ công thương. Cụ thể có 02 tiêu chí để xác định xuất xứ hàng hóa như sau:
+ Tiêu chí tỷ lệ phần trăm giá trị (LVC (XX)%). Theo đó, tỷ lệ phần trăm giá trị là hàm lượng giá trị đủ để coi là hàng hóa đó có xuất xứ tại một nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ nơi diễn ra công đoạn gia công, sản xuất, chế biến cuối cùng. Tỷ lệ này là % giá trị gia tăng có được tính trên tổng giá trị của hàng hóa được gia công, sản xuất, chế biến tại một nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ sau khi trừ giá nguyên liệu đầu vào không thuộc một nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ hoặc giá trị nguyên liệu đầu vào không xác định được xuất xứ để sản xuất hàng hóa đó).
+ Tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa (CC-chuyển đổi cấp 2 số, CTH- chuyển đổi cấp 4 số, CTSH- chuyển đổi cấp 6 số). Theo đó, chuyển đổi mã số hàng hóa là sự thay đổi về mã HS của hàng hóa được tạo ra tại một nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ trong quá trình sản xuất từ nguyên liệu không có xuất xứ từ nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ này. Lưu ý, nếu tỷ lệ nguyên liệu không đáp ứng tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa thì vẫn được coi là hàng hóa có xuất xứ nếu:
– Đối với hàng hóa có mã HS không thuộc Chương 50 đến 63 Thông tư 05/2018/TT- BCT, trị giá của tất cả các nguyên liệu không có xuất xứ được dùng để sản xuất ra hàng hóa không đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi mã số hàng hóa phải nhỏ hơn hoặc bằng 15% trị giá FOB của hàng hóa;
– Đối với hàng hóa có mã HS thuộc Chương 50 đến 63 Thông tư 05/2018/TT- BCT, trọng lượng của tất cả nguyên liệu không có xuất xứ được dùng để sản xuất ra hàng hóa không đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi mã số hàng hóa phải nhỏ hơn hoặc bằng 15% tổng trọng lượng hàng hóa, hoặc trị giá của tất cả các nguyên liệu không có xuất xứ được dùng để sản xuất ra hàng hóa không đáp ứng yêu cầu chuyển đổi mã số hàng hóa phải nhỏ hơn hoặc bằng 15% trị giá FOB của hàng hóa;
Mọi thông tin chi tiết cần giải đáp vui lòng liên hệ trực tiếp để được tư vấn, hỗ trợ.