Chuyển nhượng thương hiệu trong kinh doanh đã không còn là một câu chuyện xa lạ đối với giữa các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên thị trường. Thương hiệu là một tài sản trí tuệ quan trọng của bất kỳ doanh nghiệp nào, nếu gọi là thương hiệu thì không đơn thuần chỉ là những yếu tố hữu hình có thể chuyển nhượng được về mặt giấy tờ mà nó còn là chuyển nhượng cả những yếu tố vô hình như uy tín, sự biết đến rộng rãi của thương hiệu, lòng tin của người tiêu dùng đối với những sản phẩm, dịch vụ mang thương hiệu đó.
Trong phạm vi bài viết này, Luật Định hướng sẽ cung cấp tới bạn đọc các thông tin liên quan đến chuyển nhượng thương hiệu dưới góc độ các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, bởi niềm tin, uy tín hay còn gọi là giá trị vô hình thì sẽ không thể chuyển nhượng được, chuyển nhượng thương hiệu chính là nói đến chuyển nhượng những yếu tố hữu hình được luật pháp công nhận.
Trước hết, cùng tìm hiểu về bản chất của việc chuyển nhượng thương hiệu?
Yếu tố hữu hình của thương hiệu chính là nhãn hiệu của tổ chức, cá nhân đó. Đó chính là yếu tố nhận diện thương hiệu giúp người tiêu dùng có thể nhận biết được sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu là của tổ chức, cá nhân nào. Và chỉ khi bạn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu độc quyền thì mới có thể chuyển nhượng được cho chủ thể khác.
Hay nói theo một cách khác, chuyển nhượng thương hiệu chính là chuyển nhượng nhãn hiệu. Và theo quy định thì việc chuyển nhượng nhãn hiệu bắt buộc phải lập thành văn bản và phải đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì mới có hiệu lực đối với bên thứ ba.
Giá trị của của việc chuyển nhượng thương hiệu?
Trong nhiều trường hợp, khi một doanh nghiệp không còn có đủ khả năng để kinh doanh thương hiệu hoặc muốn chuyển hướng kinh doanh thì việc chuyển nhượng thương hiệu cho một đơn vị khác đang quan tâm đến ngành hàng, dịch vụ mà họ đang cung ứng là một trong những giải pháp mang lại một khoản thu nhập tránh sự lãng phí khi đã đầu tư tiền bạc, công sức đã bỏ ra trước đó.
Việc chuyển nhượng thương hiệu/ nhãn hiệu mang đến những lợi ích không chỉ cho bên chuyển nhượng mà cho cả bên nhận chuyển nhượng. Bên chuyển nhượng sẽ thu được một khoản chi phí từ việc chuyển nhượng, còn bên nhận chuyển nhượng sẽ khai thác được các giá trị thương mại từ việc sử dụng nhãn hiệu mang lại. Giúp cho bên nhận chuyển nhượng dễ dàng tiếp cận thị trường hơn, nhanh chóng được người tiêu dùng biết đến, đồng thời bên nhận chuyển nhượng có thể dựa vào khả năng của mình để phát triển thương hiệu ngày càng có sức ảnh hưởng trên thị trường.
Những trường hợp được nhận chuyển nhượng nhãn hiệu
Không phải đơn vị kinh doanh nào cũng đủ điều kiện để được nhận chuyển nhượng nhãn hiệu từ bên khác, chủ sở hữu nhãn hiệu cũng cần lưu ý đến vấn đề này để không chuyển nhượng cho những người không đầy đủ điều kiện nhận chuyển nhượng dẫn đễn việc chuyển nhượng không được pháp luật công nhận.
Những lưu ý liên quan đến việc chuyển nhượng nhãn hiệu như sau:
+ Chủ sở hữu nhãn hiệu sẽ chỉ được quyền chuyển nhượng nhãn hiệu trong phạm vi mà nhãn hiệu được bảo hộ;
+ Việc chuyển nhượng không được gây sự nhầm lẫn về nguồn gốc, đặc tính của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu;
+ Tổ chức, cá nhân chủ được nhận chuyển nhượng nhãn hiệu khi đáp ứng điều kiện tương tự như chủ sở hữu nhãn hiệu về ngành nghề đăng ký kinh doanh tương ứng với sản phẩm, dịch vụ trong phạm vi nhãn hiệu được bảo hộ.
Những lưu ý về hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu
Để hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu được hợp lệ thì các bên cần lưu ý về nội dung hợp đồng chuyển nhượng cần có những nội dung sau:
+ Tên và địa chỉ đầy đủ của các bên nhận chuyển nhượng và bên chuyển nhượng nhãn hiệu
+ Căn cứ chuyển nhượng nhãn hiệu
+ Giá trị chuyển nhượng nhãn hiệu
Ngoài ra, các bên có thể bổ sung thêm các nội dung khác để làm rõ về giao dịch chuyển nhượng như: Số văn bằng bảo hộ nhãn hiệu; thời điểm chuyển nhượng, quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng, và các nội dung khác theo nhu cầu của các bên không trái với quy định pháp luật.
Lưu ý: Chủ sở hữu nhãn hiệu sẽ chỉ được chuyển nhượng khi nhãn hiệu đã được cấp văn bằng bảo hộ độc quyền. Ngoài ra, chủ đơn đăng ký nhãn hiệu (tại thời điểm này bên đăng ký nhãn hiệu chưa được coi là chủ sở hữu nhãn hiệu) cũng có thể chuyển nhượng đơn đăng ký nhãn hiệu trong giai đoạn thẩm định về nội dung của đơn đăng ký, và chủ sở hữu nhãn hiệu sẽ là bên nhận chuyển nhượng ngay sau khi được cấp văn bằng bảo hộ.
Đăng ký hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu
Như đã trình bày ở trên, thì để việc chuyển nhượng nhãn hiệu/ thương hiệu có giá trị pháp lý thì cần phải đăng ký hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu. Cụ thể về trình tự, thủ tục đăng ký hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu như sau:
Hồ sơ đăng ký chuyển nhượng nhãn hiệu:
(1) Tờ khai đăng ký chuyển nhượng (theo mẫu)
(2) Bản gốc hoặc bản sao hợp lệ của hợp đồng chuyển nhượng (được ký và đóng dấu hợp lệ bởi các bên)
(3) Bản gốc của văn bằng bảo hộ độc quyền nhãn hiệu
(4) Nếu có nhiều chủ sở hữu nhãn hiệu thì bổ sung văn bản giải trình lý do đồng ký, không đồng ý của các đồng chủ sở hữu về việc chuyển nhượng nhãn hiệu
(5) Giấy ủy quyền nộp hồ sơ nếu nộp thông qua đại diện SHCN
Tiếp nhận và xử lý hồ sơ
Sau khi chuẩn bị hồ sơ nêu trên thì các bên sẽ tiến hành nộp hồ sơ tại Cục Sở hữu trí tuệ hoặc văn phòng đại diện của Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Hồ Chí Minh hoặc Đà Nẵng. Trong thời hạn là 02 tháng kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, Cục sở hữu trí tuệ sẽ xử lý, đánh giá đơn đăng ký và ghi nhận sự chuyển nhượng nhãn hiệu nếu đủ điều kiện.
Mọi thắc mắc liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi để được tư vấn, hỗ trợ.