Công bố mỹ phẩm nhập khẩu

Thị trường mỹ phẩm Việt Nam ngày càng phát triển với nhu cầu sử dụng ngày càng tăng của người tiêu dùng nữ giới lẫn nam giới, đặc biệt, các dòng mỹ phẩm nước ngoài thường được ưa chuộng hơn so với mỹ phẩm trong nước. Tuy nhiên, để các sản phẩm mỹ phẩm có thể lưu hành tại Việt Nam thì doanh nghiệp nhập khẩu sẽ cần tiến hành đăng ký cấp số tiếp nhận công bố hay chính là công bố mỹ phẩm theo hồ sơ, trình tự, thủ tục về quản lý mỹ phẩm tại Thông tư 06/2011/TT-BYT.

Mỹ phẩm là gì theo quy định của pháp luật

“Mỹ phẩm là chất hay chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận ngoài cơ thể con người (da, hệ thống lông tóc, móng tay, móng chân, môi và cơ quan sinh dục ngoài) hoặc răng và niêm mạc miệng với mục đích chính là để làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, bảo vệ cơ thể hoặc giữ cơ thể trong điều kiện tốt.” (Khoản 1 Điều 3 Thông tư 06/2011/TT-BYT)

Quy định về công bố mỹ phẩm trước khi nhập khẩu

Để nhập khẩu mỹ phẩm lưu thông tại Việt Nam thì doanh nghiệp sẽ phản thực hiện thủ tục đăng ký mỹ phẩm tại Cục quản lý dược – Bộ y tế đồng thời sẽ phải chịu trách nhiệm về sự an toàn, hiệu quả và chất lượng của sản phẩm mà mình nhập khẩu hay còn gọi là thương nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa nhập khẩu. Thủ tục này còn gọi là xin cấp số tiếp nhận Phiếu công bố mỹ phẩm.

Số tiếp nhận phiếu công bố mỹ phẩm có giá trị chứng nhận cho sản phẩm đã được khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để chứng minh sản phẩm đó được lưu hành hợp pháp tại Việt Nam, Số tiếp nhận phiếu công bố mỹ phẩm sẽ là một trong những thành phần hồ sơ để làm thủ tục thông quan mỹ phẩm tại cơ quan hải quan. Tuy nhiên, Số tiếp nhận này không phải là chứng nhận về chất lượng sản phẩm, đảm bảo độ an toàn của sản phẩm cho người tiêu dùng.

Điều kiện để được cấp Số tiếp nhận phiếu công bố mỹ phẩm:

– Sản phẩm có tính năng đáp ứng yêu cầu theo Hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm.

– Thương nhân nhập khẩu mỹ phẩm sẽ phải đăng ký ngành nghề kinh doanh mỹ phẩm tại Việt Nam.

– Nộp lệ phí đầy đủ theo quy định.

Những trường hợp nhập khẩu không cần công bố mỹ phẩm

Trường hợp 1: Mỹ phẩm đã được cấp Số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm còn hiệu lực. (Thực hiện cấp lại khi hết hiệu lực)

Trường hợp 2: Nhập khẩu mỹ phẩm để:

+ Nghiên cứu, kiểm nghiệm, tuy nhiên số lượng tối đa cho mỗi sản phẩm là 10 mẫu và cần phải gửi đơn hàng nhập khẩu sản phẩm phục vụ nghiên cứu, kiểm nghiệm tới Cục quản lý dược.

+ Mỹ phẩm dùng để làm quà tặng, quà biếu. Tuy nhiên tổng giá trị không được vượt quá mức hàng hóa được miễn thuế ( từ 1 triệu trở xuống đối với cá nhân và từ 30 triệu trở xuống đối với tổ chức). Mỹ phẩm làm quà tặng, quà biếu không được phép lưu thông trên thị trường.

+ Mỹ phẩm nhằm mục đích trưng bày tại triển lãm, hội chợ và các trường hợp tạm nhập, tái xuất.

Hồ sơ, trình tự, thủ tục công bố sản phẩm mỹ phẩm

Quy trình công bố mỹ phẩm nhập khẩu theo Thông tư 06/2015/TT-BYT

Soạn thảo và chuẩn bị tài liệu đăng ký công bố mỹ phẩm

(1) Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm (bản mềm)

(2) Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có đăng ký ngành nghề kinh doanh mỹ phẩm của người nhập khẩu ( bản sao hợp lệ)

(3) Giấy ủy quyền từ nhà sản xuất/ chủ sở hữu sản phẩm cho người nhập khẩu tại Việt Nam.

(4)  CFS (Certificate of free sales – Giấy chứng nhận lưu hành tự do của sản phẩm)

Lưu ý về giấy tờ tại Mục 3 và 4 nêu trên cần đảm bảo:

(3) Giấy ủy quyền cần được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định, đồng tời đảm bảo giấy ủy quyền bằng tiếng Anh, tiếng Việt hoặc song ngữ Anh – Việt. Đồng thời bao gồm các nội dung sau:

+ Tên, địa chỉ của nhà sản xuất và tên, địa chỉ của chủ sở hữu (nếu nhà sản xuất không đồng thời là chủ sở hữu);

+ Tên, địa chỉ của thương nhân được ủy quyền;

+ Ghi rõ phạm vi ủy quyền là đứng tên trên phiếu công bố mỹ phẩm và phân phối mỹ phẩm tại Việt Nam;

+ Nhãn hàng, tên sản phẩm mỹ phẩm được ủy quyền;

+ Thời hạn ủy quyền rõ ràng;

+ Cam kết của nhà sản xuất hoặc chủ sở hữu (nếu nhà sản xuất không đồng thời là chủ sở hữu) về việc cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm cho người nhập khẩu tại Việt Nam;

+ Tên, chức danh, chữ ký của người đại diện bên ủy quyền.

(4) CFS được cấp là bản chính hoặc bản sao có chứng thực hợp lệ, còn thời hạn được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu để chứng nhận sản phẩm được sản xuất và được phép lưu hành tự do tại nước xuất khẩu. Trường hợp CFS không thể hiện thời hạn cụ thể thì sẽ phải dùng bản được cấp trong thời hạn 24 tháng từ ngày được cấp. CFS cần được hợp pháp hóa lãnh sự tại đại sứ quán Việt Nam tại nước xuất khẩu hoặc đại sứ quán nước xuất khẩu tại Việt Nam.

Hình thức nộp hồ sơ và quan tiếp nhận hồ sơ

Hiện tại hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm sẽ được tiếp nhận thông qua cổng thông tin điện tử về quản lý mỹ phẩm, hệ thống cấp số tiếp nhân công bố sản phẩm mỹ phẩm.

Cơ quan tiếp nhận và giải quyết hồ sơ công bố mỹ phẩm là Cục quản lý dược – Bộ y tế.

Thủ tục giải quyết hồ sơ

Trong vòng là 03 ngày làm việc từ ngày nhận được hồ sơ và lệ phí đầy đủ, Cục Quản lý dược sẽ cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm theo tài khoản đăng ký nộp hồ sơ.

Nếu hồ sơ chưa đáp ứng các điều kiện theo quy định thì trong vòng 05 ngày làm việc từ ngày nộp hồ sơ thì Cục Quản lý dược sẽ thông báo về việc sửa đổi, bổ sung hồ sơ cho người nộp hồ sơ trong đó nêu rõ về các nội dung cần điều chỉnh.

Hồ sơ điều chỉnh sẽ gồm: (1) Bản giải trình về việc sửa đổi, bổ sung của thương nhân đứng tên trên phiếu công bố mỹ phẩm; (2) Phiếu công bố mỹ phẩm kèm dữ liệu và tài liệu đã được sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu.

Hồ sơ điều chỉnh phải được nộp trong vòng 03 tháng từ ngày ban hành thông báo, nếu hết thời hạn mà không bổ sung thì hồ sơ sẽ không còn giá trị, nếu thương nhân vẫn muốn nộp hồ sơ công bố cho sản phẩm mỹ phẩm đó sẽ phải nộp lại từ đầu.

Trong vòng 05 ngày làm việc từ ngày nhận hồ sơ bổ sung đáp ứng điều kiện sẽ cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm. Hồ sơ sẽ bị từ chối cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ nếu hồ sơ sửa đổi, bổ sung không phù hợp với yêu cầu sửa đổi bổ sung.

Giá trị của Số tiếp nhận Phiếu công bố mỹ phẩm

Số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm có giá trị là 05 năm kể từ ngày được cấp. Hết thời hạn này, thương nhân nhập khẩu muốn tiếp tục lưu thông sản phẩm trên thị trường thì phải đăng ký công bố lại trước khi số tiếp nhận hết hạn.