Đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý là điều kiện để bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Tương tự như những đối tượng sở hữu công nghiệp khác chỉ được pháp luật bảo hộ khi đã được đăng ký và được cấp văn bằng bảo hộ khi đáp ứng đủ điều kiện tương ứng theo pháp luật Sở hữu trí tuệ về hình thức và nội dung.
Tuy nhiên, trong các đối tượng sở hữu công nghiệp, thì chỉ dẫn địa lý là một khái niệm ít phổ biến nhất, thậm chí không phải ai cũng biết nó cũng là một trong những đối tượng sở hữu công nghiệp cần đăng ký để được bảo hộ. Do đó, thông qua bài viết này, Luật Định Hướng xin được đưa ra một số nội dung liên quan để giúp mọi người hiểu hơn về chỉ dẫn địa lý.
Chỉ dẫn địa lý là gì?
Theo quy định tại Khoản 22 điều 3 Luật Sở hữu trí tuệ thì có thể hiểu: Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu để chỉ nguồn gốc của sản phẩm đến từ địa phương, khu vực, vùng lãnh thổ hay mọt quốc gia cụ thể.
Nếu để ý trên nhãn của các hàng hóa trên thị trường thì bạn có thể nhận thấy chỉ dẫn địa lý sẽ gồm tên của hàng hóa kèm theo tên của địa điểm sản xuất ra hàng hóa đó. Đặc biệt đối với các sản phẩm nông nghiệp, khi chất lượng của sản phẩm được tạo ra chủ yếu nhờ vào khí hậu, đất đai hay địa hình của khu vực địa lý đó tạo nên. Ví dụ một số chỉ dẫn địa lý nổi tiếng trong nước và trên thế giới như: Nước mắm Phú Quốc, Chè san tuyết Mộc Châu, Cà phê Buôn Ma Thuột, phô mai Parmigiano-Reggiano, rượu vang Bordeaux,… Một điểm chung của những sản phẩm nêu trên là do ý nghĩa địa lý của chúng, tên sản phẩm có chức năng xác định một khu vực địa lý nơi sản xuất ra sản phẩm, giúp sản phẩm trở nên nổi tiếng hơn.
Điều kiện để chỉ dẫn địa lý được bảo hộ
Điều kiện chung
Điều kiện chung để các chỉ dẫn địa lý được bảo hộ được quy định tại Điều 79 Luật Sở hữu trí tuệ, theo đó chỉ dẫn địa cần đáp ứng:
+ Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc từ các địa phương, khu vực, quốc gia tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó;
+ Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý phải có chất lượng, danh tiếng hoặc đặc tính chủ yếu do các điều kiện địa lý của các địa phương, khu vực, quốc gia tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định. Theo đó, danh tiếng được xác định bằng mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng thông qua việc người tiêu dùng biết đến và lựa chọn sản phẩm; Chất lượng và đặc tính sản phẩm được xác định bằng một số chỉ tiêu định tính, định lượng hoặc cảm quan về vật lý, vi sinh, hóa học.
Đối tượng không được bảo hộ chỉ dẫn địa lý
Đối tượng không được bảo hộ làm chỉ dẫn địa lý được quy định tại Điều 80 Luật Sở hữu trí tuệ, cụ thể:
– Tên gọi, chỉ dẫn đã trở thành tên gọi chung của hàng hóa theo nhận thức của người tiêu dùng tại Việt Nam.
– Chỉ dẫn địa lý của nước ngoài nhưng tại nước đó thì chỉ dẫn địa lý này không được bảo hộ hoặc đã bị chấm dứt bảo hộ.
– Chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự với đã được đăng ký bảo hộ hoặc đã được bảo hộ, việc sử dụng chỉ dẫn địa lý sẽ dẫn đến khả năng nhầm lẫn về nguồn gốc thương mại của hàng hóa.
– Chỉ dẫn địa lý gây hiểu sai lệch cho người tiêu dùng về nguồn gốc địa lý của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.
Lợi ích của bảo hộ chỉ dẫn địa lý
Người tiêu dùng đánh giá rằng chỉ dẫn địa lý chỉ ra nguồn gốc về xuất xứ và chất lượng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, chính vì vậy chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa trong việc nhận diện sản phẩm, giúp cho sản phẩm gắn với chỉ dẫn địa lý được người tiêu dung tin tưởng đánh giá cao hơn về chất lượng.
Bên cạnh đó, việc không đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý có thể dẫn đến việc sử dụng chỉ dẫn địa lý bởi những tổ chức, cá nhân kinh doanh khác để cạnh tranh không lành mạnh, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng để bán sản phẩm. Điều này gây ảnh hưởng không chỉ cho những cơ sở kinh doanh hợp pháp mà còn ảnh hưởng đến người tiêu dùng do dễ mua phải hàng không đạt chất lượng như mong muốn. Chính vì vậy, để hạn chế những rủi ro trên cũng như có đầy đủ cơ sở pháp lý để chống lại những hành vi cạnh tranh không lành mạnh thì cần thiết phải đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Thủ tục đăng ký chỉ dẫn địa lý
Hồ sơ cần chuẩn bị
(1) Tờ khai đăng ký chỉ dẫn địa lý
(2) Bản đồ khu vực tương ứng với chỉ dẫn địa lý đăng ký
(3) Bản mô tả về đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý
(4) Giấy ủy quyền (nếu chủ đơn không trực tiếp đi nộp hồ sơ)
Một số lưu ý liên quan đến hồ sơ đăng ký như sau:
+ Một đơn đăng ký chỉ được yêu cầu cấp một văn bằng bảo hộ cho 01 chỉ dẫn địa lý
+ Tài liệu trong đơn được lập bằng tiếng Việt hoặc được dịch thuật sang tiếng Việt (nếu tài liệu gốc bằng tiếng nước ngoài)
+ Tài liệu được trình bày trên giấy A4 theo chiều dọc và căn 04 lề bằng nhau là 2cm. Ngoại trừ bản đồ, sơ đồ, bảng biểu có thể được trình bày theo chiều ngang.
Nộp hồ sơ
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ nêu trên thì người nộp hồ sơ sẽ nộp hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý tại Cục Sở hữu trí tuệ.
Thẩm định hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý
Sau khi hồ sơ được nộp tại bộ phận một cửa thì đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý sẽ được thẩm định theo quy trình như sau:
Bước 1: Thẩm định về hình thức
Thời gian thẩm định là 1 tháng. Thẩm định về hình thức là đánh giá đơn đăng ký có đáp ứng về điều kiện hình thức theo quy định của pháp luật hay không (ví dụ đối tượng đăng ký có thuộc trường hợp không được phép đăng ký hay không, thông tin trong tài liệu có đầy đủ không,…) Sau khi thẩm định thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ đưa ra thông báo chấp thuận về hình thức hoặc thông báo sửa đổi bổ sung đơn trong khoảng thời gian theo quy định.
Bước 2: Công bố đơn
Thời gian công bố đơn là 2 tháng kể từ ngày đơn đăng ký được chấp nhận hợp lệ. Bước này, chuyên viên của Cục Sở hữu trí tuệ sẽ công bố toàn bộ nội dung của đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý lên công báo sở hữu công nghiệp.
Bước 3: Thẩm định nội dung
Thời gian thẩm định là 06 tháng. Thẩm định về nội dung là đánh giá đối tượng nêu trong đơn có đủ điều kiện để cấp văn bằng bảo hộ hay không, có tương tự hoặc gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã đăng ký trước đó hay không, sản phẩm có đạt điều kiện về danh tiếng, chất lượng gắn với chỉ dẫn địa lý tương ứng hay không,.…
Nếu chỉ dẫn địa lý đáp ứng điều kiện thì sẽ thông báo nộp lệ phí để được cấp văn bằng bảo hộ. Nếu không đáp ứng điều kiện sẽ từ chối cấp văn bằng bảo hộ.
Lưu ý trong khoảng thời gian theo thông báo thì chủ đơn cần nộp lệ phí theo quy định, hết thời hạn theo thông báo nếu không nộp lệ phí để được cấp văn bằng thì đơn đăng ký sẽ hết hiệu lực và phải thực hiện lại thủ tục từ đầu. phù hợp quy định sẽ ra quyết định nộp phí cấp văn bằng bảo hộ.
Mọi thông tin cần tư vấn, giải đáp liên quan vui lòng liên hệ trực tiếp tới Luật Định Hướng để được hỗ trợ.