Hoạt động giao thương quốc tế ngày càng phát triển, tần suất của các giao dịch mua bán hàng hóa quốc tế của các tổ chức, cá nhân ngày càng tăng cao. Và công cụ pháp lý hữu hiệu nhất để đảm bảo cho các giao dịch mua bán hàng hóa quốc tế chính là hợp đồng, bởi vậy hợp đồng ngày càng được các tổ chức, kinh doanh chú trọng, các điều khoản trong hợp đồng càng chặt chẽ thì quyền lợi của các bên càng được đảm bảo.
Xuất phát từ nhu cầu nêu trên, Luật Định Hướng trân trọng giới thiệu dịch vụ soạn thảo hợp đồng nói chung và hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nói riêng được thực hiện trực tiếp bởi những luật sư có kiến thức chuyên môn và giàu kinh nghiệm trong việc tư vấn, soạn thảo hàng nghìn hợp đồng cho khách hàng.
Từ kinh nghiệm thực tiễn của Định Hướng, chúng tôi nhận thấy rằng để hạn chế rủi ro pháp lý có thể phát sinh, thì khi soạn thảo hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế cần lưu ý một số điểm sau đây:
Thứ nhất, về đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
+ Hàng hóa được mua bán phải được phép giao dịch theo quy định của cả nước người mua và nước người bán.
+ Xác định rõ về các tiêu chí, đặc điểm của hàng hóa như: tên hàng hóa, mô tả về hàng hóa, tiêu chuẩn, kỹ thuật của hàng hóa. Thông tin càng chi tiết, càng rõ ràng thì sẽ càng có lợi cho bên mua, tránh trường hợp bên bán không giao đúng hàng như đã thỏa thuận.
+ Giá cả của hàng hóa cũng cần được thỏa thuận rõ ràng để có căn cứ thanh toán. Tùy từng trường hợp, các bên có thể quy định cố định về giá của hàng hóa trong suốt thời hạn của hợp đồng hoặc quy định trường hợp có thể điều chỉnh giá hợp đồng khi có biến động về các nguyên liệu chính hay tỷ giá khiến cho việc giữ giá sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của một trong các bên, đặc biệt đối với hợp đồng khung (ký một lần và mua bán nhiều lần theo đơn đặt hàng).
Ví dụ: Nếu tỷ giá VND/USD chênh lệch tăng hoặc giảm 5% theo tỷ giá ngân hàng quốc tế công bố vào ngày 05 hàng tháng thì các bên sẽ thỏa thuận điều chỉnh tăng, giảm giá bán của hàng hóa tương ứng; hoặc nếu giá mua nguyên liệu chính là sắt/ thép/ kẽm nếu tăng hay giảm 5% theo (trích dẫn nguồn thông tin chính thống, rõ ràng) thì các bên sẽ thỏa thuận tăng, giảm giá hàng hóa.
Nếu là bên bán thì thường sẽ bổ sung điều khoản khi soạn thảo hợp đồng về việc quyền được điều chỉnh tăng giá, nếu là bên mua thì thường có xu hướng không đồng ý tăng giá hoặc quy định chỉ được tăng giá khi được sự chấp thuận của bên mua hoặc có điều kiện cụ thể, hợp lý mới được phép tăng giá.
Thứ hai, về thời hạn giao hàng và phương thức giao hàng
+ Về thời hạn giao hàng: Cần được thỏa thuận và quy định rõ ràng vào nội dung của hợp đồng. Có thể ấn định vào một thời điểm cụ thể, trong một khoảng thời gian cụ thể, hoặc sau khi phát sinh một sự kiện pháp lý nào đó được xác định rõ ràng. Tùy vào nhu cầu và thỏa thuận của các bên để quy định sao cho hợp lý.
+ Phương thức giao hàng: Điểm đặc trưng của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế khác biệt với các hợp đồng mua bán nội địa bởi phương thức giao hàng đặc biệt hơn. Các bên cần thỏa thuận rõ ràng về điều kiện giao hàng, trong nhiều trường hợp, việc áp dụng điều khoản giao hàng nào để thuận lợi nhất cho các bên cần được xem xét, đánh giá kỹ càng, dựa trên quy định của pháp luật nước bên bán và nước bên mua. Ví dụ: Nếu mua hàng tại Nhật thì nên chọn phương thức giao hàng là FOB hoặc CIF không nên chọn Exwork bởi người mua sẽ phải chịu thuế tiêu thụ nội địa; Hoặc không nên chọn phương thức giao hàng là DAP, DDP nến bên mua là Việt Nam để bên bán không phải chịu thuế FCT;…
Các bên nên tham khảo Incoterm – Các điều khoản thương mại quốc tế để lựa chọn phương thức giao hàng phù hợp.
Thứ ba, phương thức thanh toán
Phương thức thanh toán trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế rất phong phú và đa dạng. Các bên có thể lựa chọn một trong những phương thức thanh toán như sau: phương thức nhờ thu (collection of payment), phương thức tín dụng chứng từ (letter of credits), điện chuyển tiền (Telegraphic Transfer),… hoặc theo phương thức khác theo thỏa thuận của các bên phù hợp với quy định về thanh toán của cả nước người mua và người bán.
Tùy từng giao dịch các bên để có thể lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp. Nếu giao dịch lần đầu thì các bên thường chọn phương thức tín dụng chứng từ (L/C), đối với các bên giao dịch nhiều lần và có sự tin tưởng thì có thể lựa chọn phương thức thanh toán điện chuyển tiền (T/T),…
Thứ tư, quyền và nghĩa vụ của các bên
Mục đích của các bên khi giao kết hợp đồng là đạt được một lợi ích nhất định, vì vậy nếu nghĩa vụ của bên kia không hoàn thành tức là quyền lợi của bên còn lại sẽ không được đảm bảo. Để hạn chế được những rủi ro này, thì các bên cần quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ tương ứng của từng bên trong hợp đồng, kèm với đó là quy định phạt hợp đồng và giới hạn bồi thường thiệt hại.
Theo quy định của Luật Thương mại, thì các bên chỉ được phạt hợp đồng khi có thỏa thuận phạt vi phạm và mức phạt cũng không vượt quá 8% phần nghĩa vụ hợp đồng bị phạt vi phạm. Tuy nhiên, nếu hợp đồng không áp dụng luật Việt Nam thì không có giới hạn về tỷ lệ phạt này, nên các bên có thể quy định dựa theo thỏa thuận của các bên. Quy định phạt đối với hợp đồng mua bán hàng hóa thường được quy định cho 02 trường hợp là chậm thanh toán hoặc chậm giao hàng.
Về vấn đề bồi thường thiệt hại, thì dù không được quy định trong hợp đồng, nếu một bên bị thiệt hại bởi lỗi của bên còn lại thì có thể yêu cầu bồi thường. Nhưng trên thực tế, các bên thường muốn làm rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại nên sẽ thường quy định luôn trong hợp đồng để ràng buộc, ví dụ như: bồi thường cho những thiệt hại thực tế và trực tiếp, không bao gồm những mất mát về lợi nhuận, cơ hội tiếp cận thị trường; hoặc cụ thể giới hạn luôn mức bồi thường sẽ không vượt quá giá trị hàng hóa theo hợp đồng/ hoặc tính trên một số tiền cụ thể… Bồi thường thiệt hại thường quy định cho bên bán để ràng buộc trách nhiệm cam kết về chất lượng hàng hóa.
Thứ năm, luật áp dụng cho hợp đồng
Luật áp dụng đối với hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế hoàn toàn phụ thuộc vào thỏa thuận của các bên. Các bên có thể lựa chọn giữa luật nước người mua, người bán hoặc pháp luật của nước thứ ba để đảm bảo cân bằng lợi ích của các bên; hoặc các bên có thể lựa chọn áp dụng các Điều ước quốc tế, đạo luật mẫu, tập quán mua bán hàng hóa quốc tế,…
Tuy nhiên, lợi thế sẽ luôn thuộc về các bên am hiểu về hệ thống pháp luật mà mình lựa chọn, chính vì vậy để đảm bảo lợi ích của mình, các bên nên cân nhắc để lựa chọn cho phù hợp.
Thứ sáu, giải quyết tranh chấp
Không ai mong muốn phát sinh tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, tuy nhiên, mọi rủi ro có thể xảy ra vì thế điều khoản về giải quyết tranh chấp cần được quy định trong hợp đồng. Phương thức đầu tiên mà các bên có thể thực hiện để giải quyết tranh chấp là thương lượng, nhưng nếu như các bên vẫn không thể dung hòa được lợi ích thì lúc đó cần sự can thiệp của một cơ quan tài phán để đưa ra một phán quyết buộc các bên phải tuân theo. Các bên có thể lựa chọn giải quyết bởi trọng tài hoặc tòa án. Trên thực tế, đa phần trong các giao dịch mua bán hàng hóa quốc tế các bên đều lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài.
Lưu ý, điều khoản giải quyết tranh chấp bằng trọng tài nên được quy định rõ ràng về cơ quan trọng tài, quy tắc trọng tài, số lượng trọng tài viên, địa điểm giải quyết tranh chấp, ngôn ngữ sử dụng trong giải quyết tranh chấp… Ví dụ như: Tranh chấp sẽ được giải quyết theo quy tắc tố tụng trọng tài của Phòng Thương mại quốc tế bởi một hội đồng gồm 03 trọng tài viên được chỉ định phù hợp với quy tắc nói trên. Quá trình tố tụng trọng tài sẽ được tổ chức tại Việt Nam. Ngôn ngữ được sử dụng trong tố tụng trọng tài sẽ bằng tiếng Anh.
Trên đây là một số lưu ý về trong nội dung của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, quý khách hàng có thể tham khảo để đàm phán hợp đồng nâng cao hiệu quả trọng việc kiểm soát rủi ro pháp lý trong các giao dịch hợp đồng vì lợi ích của doanh nghiệp mình.