Điều kiện hoạt động kinh doanh của cơ sở in ấn

Hoạt động kinh doanh in ấn là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tùy thuộc vào sản phẩm in của tổ chức, cá nhân kinh doanh là gì (xuất bản phẩm, sách, báo, tạp chí, tem, nhãn, bao bì hàng hóa…) sẽ có những điều kiện cần đáp ứng để hoạt động sản xuất ngoài việc đăng ký mã ngành nghề kinh doanh in ấn theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp 2020.

Cụ thể, một số quy định liên quan đến điều kiện hoạt động kinh doanh của cơ sở in ấn sẽ được trình bày cụ thể trong bài viết để người đọc có thể nắm được thông tin cơ bản.

Sản phẩm in là gì?

Để hiểu rõ về từng điều kiện đối với hoạt động của cơ sở in thì trước tiên cần làm rõ sản phẩm in là gì? Theo quy định tại Khoản 4 Điều 2 Nghị định 60/2014/NĐ-CP về hoạt động in quy định sản phẩm in được tạo ra bằng công nghệ, thiết bị ngành in trên các loại vật liệu, chất liệu khác nhau, gồm:

(1) Báo, tạp chí và các loại ấn phẩm báo chí khác theo pháp luật về báo chí;

(2) Mẫu, biểu mẫu giấy tờ ban hành bởi cơ quan nhà nước;

(3) Tem chống giả;

(4) Hóa đơn tài chính, các loại thẻ, giấy tờ có sẵn mệnh giá hoặc dùng để ghi mệnh giá (không bao gồm tiền);

(5) Xuất bản phẩm theo pháp luật về xuất bản;

(6) Bao bì, nhãn hàng hóa;

(7) Tài liệu, giấy tờ của tổ chức, cá nhân;

(8) Các sản phẩm in khác.

Điều kiện hoạt động cơ sở in cần đáp ứng

Trường hợp 1: Đối với những sản phẩm in thuộc trường hợp (1) (2) (3) (4) theo mục 1 nêu trên thì cơ sở in, chế bản, in, gia công sau in sẽ phải đáp ứng đủ các điều kiện như sau:

+ Có thiết bị in để thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chế bản, in, gia công sau in;

+  Có mặt bằng để thực hiện việc chế bản, in, gia công sau in ngoài khu vực dân cư, trừ cơ sở in chỉ sử dụng công nghệ, thiết bị in laser, in phun khổ từ A0 trở xuống và cơ sở in là hộ gia đình in lưới (lụa) thủ công;

+ Có chủ sở hữu là tổ chức, cá nhân Việt Nam;

Trường hợp 2: Đối với những sản phẩm in thuộc các trường hợp còn lại (trừ hoạt động của cơ sở in Báo, tạp chí và các loại ấn phẩm báo chí khác theo pháp luật về báo chí; và hoạt động của cơ sở in xuất bản phẩm theo pháp luật về xuất bản) thì hoạt động của cơ sở in, chế bản, in, gia công sau in sẽ không phải đáp ứng điều kiện như trường hợp 1, nhưng phải đăng ký hoạt động doanh nghiệp/ đơn vị cơ sở in theo quy định tại Sở thông tin và truyền thông tại tỉnh/ thành phố nơi hoạt động của cơ sở in.

Trách nhiệm của cơ sở in

Khi thực hiện hoạt động kinh doanh in, ấn thì cơ sở in sẽ phải đảm bảo:

+ Thực hiện đúng theo nội dung đã được ghi trong giấy phép hoạt động in hoặc đơn đăng ký hoạt động cơ sở in được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận.

+ In, chế bản, gia công sau in đúng với bản mẫu và đúng với số lượng được quy định trong hợp đồng in ấn.

+ Cập nhật đầy đủ thông tin về việc nhận chế bản, in, gia công sau in vào “Sổ quản lý ấn phẩm nhận chế bản, in, gia công sau in” theo mẫu quy định.

+ Lưu giữ các hồ sơ liên quan đến sản phẩm nhận chế bản, in, gia công sau in đầy đủ trong vòng 24 tháng, tính từ ngày ký hợp đồng in ấn.

+ Xuất trình hồ sơ, giấy tờ liên quan đến hoạt động của cơ sở, sản phẩm in ấn và giải trình đầy đủ, trung thực khi được kiểm tra bởi cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định pháp luật.

+ Chấp hành việc thực hiện báo cáo định kỳ, đột xuất về hoạt động của cơ sở in, sản phẩm in ấn theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

+ Tham gia tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ quản lý về hoạt động in ấn được tổ chức bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

+ Báo cáo kịp thời với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về hoạt động in khi phát hiện sản phẩm nhận in, chế bản, gia công sau in có nội dung vi phạm theo quy định.