Hướng dẫn ghi ngành nghề khi đăng ký doanh nghiệp

Điều kiện tiên quyết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là bạn cần xác định sẽ kinh doanh ngành nghề gì, sản xuất hay thương mại dịch vụ, hay kết hợp giữa sản xuất và dịch vụ. Sau khi xác định được dự định kinh doanh, thì tiếp theo bạn cần xác định ngành nghề đó thuộc mã ngành nào trong hệ thống ngành kinh tế Việt Nam và nếu không tìm thấy mã ngành nghề tương ứng trong hệ thống ngành kinh tế thì cần tìm xem ngành nghề đó có đang thuộc phạm vi điều chỉnh của bộ ban ngành nào để xác định văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh tương ứng.

Trong phạm vi bài viết này, Định Hướng xin chia sẻ một số thông tin liên quan đến ngành nghề kinh doanh cũng như hướng dẫn cách tra cứu và ghi ngành nghề kinh doanh được chính xác, đầy đủ, phù hợp với ngành nghề dự định kinh doanh. Cụ thể, khi kê khai ngành nghề kinh doanh cần lưu ý như sau:

Thứ nhất, tra cứu ngành nghề kinh doanh phù hợp tại quyết định số 27/2018/QĐ-TTg về hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, lựa chọn ngành kinh tế cấp 4 trong bảng mã ngành nghề kinh doanh để đăng ký. Nhằm đảm bảo việc kê khai chính xác ngành nghề thì người đọc tham khảo phần mô tả chi tiết của từng mã ngành cụ thể trong quyết định quyết định số 27/2018/QĐ-TTg để xác định ngành nghề mình muốn kinh doanh có thuộc mã ngành đó hay không. Sau khi lựa chọn được mã ngành phù hợp thì sẽ điền vào tờ khai đề nghị đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Thứ hai, đối với những ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện hoặc những ngành nghề không có trong quyết định số 27/2018/QĐ-TTg về hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, nhưng được quy định tại các văn bản pháp luật chuyên ngành thì ngành nghề kinh doanh sẽ được ghi theo hướng dẫn tại các văn bản pháp luật chuyên ngành đó.

Thứ ba, đối với trường hợp ngành nghề kinh doanh chưa có trong quyết định số 27/2018/QĐ-TTg về hệ thống ngành kinh tế Việt Nam và cũng chưa có văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành nào hướng dẫn thì cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ xem xét, ghi nhận ngành nghề đó vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nếu ngành nghề đó không thuộc trường hợp ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, và đồng thời thông báo tới Bộ kế hoạch và đầu tư (tổng cục thống kê) để bổ sung ngành, nghề kinh doanh mới.

Thứ tư, trường hợp doanh nghiệp muốn kê khai chi tiết về ngành nghề lựa chọn đăng ký kinh doanh cấp 4 trong hệ thống ngành kinh tế Việt Nam theo quyết định số 27/2018/QĐ-TTg thì có thể chi tiết nhưng lưu ý việc kê khai phải đảm bảo phù hợp với ngành nghề cấp 4 đã chọn.

Thứ năm, doanh nghiệp đăng ký ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì cần phải đảm bảo đáp ứng đủ điều kiện trong suốt quá trình kinh doanh theo quy định của pháp luật. Việc kiểm tra điều kiện kinh doanh sẽ thuộc thẩm quyền của cơ quan chuyên ngành. Khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành việc kiểm tra, nếu phát hiện ra trường hợp doanh nghiệp kinh doanh khi chưa đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thì sẽ áp dụng chế tài xử phạt tương ứng với mức độ và hành vi vi phạm đồng thời gửi văn bản thông báo tới cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đăng ký trụ sở chính để yêu cầu doanh nghiệp tạm dừng hoạt động kinh doanh đối với ngành nghề đó cho đến khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

Trên đây là hướng dẫn về cách ghi ngành nghề kinh doanh cũng như một số lưu ý khi đăng ký ngành nghề kinh doanh để quý khách hàng được biết, mọi thông tin chi tiết xin liên hệ trực tiếp tới Định Hướng để được tư vấn, hỗ trợ.