Xin giấy phép kinh doanh là một thủ tục pháp lý áp dụng cho các nhà đầu tư nước ngoài, công ty có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa tại Việt Nam. Cần phân biệt Giấy phép kinh doanh và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đây là hai loại giấy tờ hoàn toàn khác nhau về điều kiện cấp phép, cơ quan cấp phép nhưng nhiều người còn nhầm lẫn.
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp tới bạn đọc các quy định liên quan đến Giấy phép kinh doanh, cụ thể:
Cơ sở pháp lý
Hiện tại, quy định về giấy phép kinh doanh được điều chỉnh bởi Nghị định 09/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/01/2018 thay thế Nghị định 23/2007/NĐ-CP. Điểm khác biệt lớn giữa hai nghị định này ở chỗ đối tượng phải xin cấp giấy phép kinh doanh đã được thu hẹp:
+ Theo Nghị định 23/2007/NĐ-CP thì nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài dể thực hiện các hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan đến mua bán hàng hóa tại Việt Nam sẽ phải thực hiện xin Giấy phép kinh doanh.
+ Tuy nhiên, đến Nghị định 09/2018/NĐ-CP thì nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài sẽ chỉ phải xin Giấy phép kinh doanh trong một số trường hợp nhất định, cụ thể sẽ được trình bày trong bài viết này.
Hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa là gì?
Từ đầu bài viết này, chúng ta đã nhắc đến cụm từ “hoạt động mua bán hàng hóa” và “hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa” nhiều lần, nhưng cụ thể là gì thì không phải ai cũng hiểu đúng và đầy đủ các hoạt động liên quan. Vì vậy, trước tiên chúng ta cùng đi tìm hiểu định nghĩa giải thích về vấn đề này. Theo quy định tại Điều 3.1 Nghị định 09/2018/NĐ-CP thì có thể hiểu hoạt động trên bao gồm:
+ Thực hiện quyền nhập khẩu;
+ Thực hiện quyền xuất khẩu;
+ Thực hiện quyền phân phối;
+ Cung ứng dịch vụ giám định thương mại;
+ Cung ứng dịch vụ logistics;
+ Cho thuê hàng hóa, không bao gồm cho thuê tài chính;
+ Cung cấp dịch vụ xúc tiến thương mại không bao gồm dịch vụ quảng cáo;
+ Cung cấp dịch vụ trung gian thương mại;
+ Cung cấ dịch vụ thương mại điện tử;
+ Cung cấp dịch vụ tổ chức đấu thầu hàng hóa, dịch vụ.
Theo đó, nếu tổ chức kinh tế nước ngoài thực hiện các hoạt động nêu trên thì sẽ cần tìm hiểu thêm mình có thuộc trường hợp phải xin giấy phép kinh doanh hay không
Các trường hợp phải cấp giấy phép kinh doanh?
Giấy phép kinh doanh được cấp cho tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài trong các trường hợp sau:
+ Thực hiện quyền phân phối bán lẻ hàng hóa, trừ các hàng hóa sau: gạo, đường; vật phẩm đã ghi hình; sách, báo, tạp chí (Xem xét cấp phép nếu tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện quyền phân phối bán lẻ dưới hình thức siêu thị, cửa hàng tiện lợi).
+ Thực hiện quyền nhập khẩu, phân phối bán buôn hàng hóa sau: dầu, mỡ bôi trơn (Xem xét cấp phép nếu tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước thực hiện: Sản xuất dầu, bôi trơn tại Việt Nam và sản xuất, phân phối máy móc, thiết bị sử dụng dầu, mỡ bôi trơn loại đặc thù).
+ Thực hiện quyền phân phối bán lẻ gạo, đường; vật phẩm đã ghi hình; sách, báo, tạp chí;
+ Cung cấp dịch vụ logistics, trừ phân ngành có cam kết mở cửa thị trường theo Điều ước QT mà Việt Nam là thành viên.
+ Cho thuê hàng hóa, không gồm cho thuê tài chính, trừ trường hợp cho thuê trang thiết bị xây dựng có người vận hành.
+ Cung cấp dịch vụ gồm: Xúc tiến thương mại (không gồm dịch vụ quảng cáo); trung gian thương mại; thương mại điện tử; tổ chức đầu thầu hàng hóa, dịch vụ.
Các trường hợp không phải xin Giấy phép kinh doanh?
Các trường hợp không phải xin giấy phép kinh doanh là các trường hợp nằm ngoài các trường hợp như đã liệt kê tại mục 2 nêu trên. Khi đó, các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được quyền thực hiện các hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp khi đăng ký các hoạt động đó trên các giấy tờ liên quan theo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, cụ thể là trên giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài không thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước QT mà Việt Nam là thành viên có cam kết mở cửa thị trường, đăng ký hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sẽ lấy ý kiến của Bộ công thương trước khi cấp, hoặc thay đổi đăng ký thực hiện các hoạt động đó.
Thủ tục cấp giấy phép kinh doanh
Bước 1: Lập hồ sơ gồm:
(1) Đơn đề nghị cấp phép (theo mẫu)
(2) Bản giải trình gồm các nội dung sau:
+ Về điều kiện cấp giấp phép kinh doanh
+ Kế hoạch kinh doanh: quy mô, phương thức thực hiện, nhu cầu lao động, đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội
+ Kế hoạch tài chính: báo cáo tài chính đã được kiểm toán 1 năm gần nhất trong trường hợp đã thành lập tại Việt Nam từ trên 01 năm; giải trình về vốn, nguồn vốn, phương án huy động vốn; kèm tài liệu về tài chính
+ Tình hình kinh doanh của hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa, tình hình tài chính của tổ chức đến thời điềm đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh.
(3) Tài liệu chứng minh không còn nợ thuế quá hạn.
(4) Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (bản sao), Giấy chứng nhận đầu tư dự án có hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa (nếu có, bản sao)
Bước 2: Nộp hồ sơ
Tại Sở Công thương nơi tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đặt trụ sở chính.
Bước 3: Giải quyết hồ sơ:
+ Thẩm định về tính hợp lệ của hồ sơ: 03 ngày làm việc
+ Kiểm tra đáp ứng điều kiện của hồ sơ: 10 ngày làm việc từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Nếu hồ sơ không đáp ứng điều kiện sẽ từ chối và nêu rõ lý do bằng văn bản. Nếu hồ sơ đáp ứng điều kiện thì sẽ cấp phép nếu thuộc thẩm quyền cấp phép của Sở Công thương, chuyển lên Bộ Công thương, bộ quản lý ngành xin ý kiến nếu thuộc trường hợp phải xin ý kiến.
+ Trường hợp phải lấy ý kiến của Bộ công thương, và bộ quản lý ngành thì trong thời hạn 15 ngày từ ngày nhận hồ sơ thì Bộ công thương, và bộ quản lý ngành sẽ có văn bản trả lời chấp thuận hoặc từ chối kèm lý do.
+ Trong thời hạn 03 ngày làm việc từ ngày nhận văn bản chấp thuận của bộ công thương, bộ quản lý ngành, cơ quan cấp phép sẽ cấp giấy phép kinh doanh hoặc từ chối kèm lý do cụ thể.
Như vậy: Đối với trường hợp không phải xin ý kiến Bộ công thương, và bộ quản lý ngành thì thời hạn cấp phép là khoảng 10-13 ngày làm việc; trường hợp phải xin ý kiến thì thời hạn cấp phép là 30 đến 35 ngày.
Mọi thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ tới Định Hướng để được tư vấn, giải đáp.