Đầu tư là một lĩnh vực pháp lý phức tạp, nhất là đối với những nhà đầu tư nước ngoài muốn thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nhưng không hiểu biết về pháp luật Việt Nam cũng như hạn chế về ngôn ngữ, văn hóa. Dù Luật Đầu tư 2020 được ban hành với rất nhiều căn cứ rõ ràng, giảm ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện từ đó tạo thuận lợi hơn cho nhà đầu tư, nhưng về cơ bản khi nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam vẫn sẽ phải trải qua rất nhiều thủ tục pháp lý cũng như phải đáp ứng điều kiện dành cho nhà đầu tư nước ngoài.
Để có thể dễ dàng tiếp cận thị trường Việt Nam hơn thì nhà đầu tư nước ngoài nên nhờ đến sự hỗ trợ của các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp, có kinh nghiệm trong việc tư vấn pháp lý đầu tư khi bắt đầu nghiên cứu, tìm hiểu thị trường Việt Nam để đầu tư.
Trong phạm vi bài viết này, Luật Định Hướng sẽ cung cấp cho người đọc một số những lưu ý đối với nhà đầu tư nước ngoài khi góp vốn đầu tư vào Việt Nam, cụ thể:
Lưu ý về điều kiện để được đầu tư vào Việt Nam
+ Chỉ được kinh doanh những ngành nghề kinh doanh mà pháp luật không cấm hoặc đã mở cửa thị trường cho nhà đầu tư nước ngoài.
+ Tuân thủ theo quy định về hình thức đầu tư, quy mô, phạm vi hoạt động, đối tác Việt Nam tham gia hoạt động đầu tư và các quy định khác theo pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
+ Đáp ứng điều kiện kinh doanh đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện (227 ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Điều 7 và Phụ lục IV Luật Đầu tư 2020). Đồng thời lưu ý về danh mục hạn chế tiếp cận thị trường thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư.
Lưu ý khi đầu tư góp vốn vào Việt Nam
Lưu ý về hình thức đầu tư
Nhà đầu tư nước ngoài có thể lựa chọn một trong những hình thức sau để đầu tư vào Việt Nam như: thành lập tổ chức kinh tế (100% vốn đầu tư nước ngoài hoặc góp vốn với tổ chức/cá nhân Việt Nam để thành lập doanh nghiệp); góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp đã thành lập tại Việt Nam; đầu tư theo hợp đồng BCC; hoặc các hình thức đầu tư khác theo quy định.
Nhà đầu tư tham khảo quy định tại Điều 22 về đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; Điều 24 đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp; Điều 27 đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC của Luật Đầu tư 2020 để tham khảo về điều kiện đầu tư tương ứng với những hình thức này.
Lưu ý về địa điểm/ đất thực hiện dự án
Nếu nhà đầu tư chỉ thực hiện hoạt động thương mại, không thực hiện hoạt động sản xuất thì chỉ cần có hợp đồng thuê địa điểm kinh doanh hợp pháp. Tuy nhiên, nếu dự án cần phải xây dựng nhà xưởng, hoặc những trường hợp cần đất canh tác,… thì nhà đầu tư có thể đăng ký thuê đất từ chủ đầu tư cơ sở hạ tầng dự án trong khu công nghiệp, hoặc xin thuê đất, giải trình về nhu cầu sử dụng đất trong hồ sơ đăng ký xin cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc xin chấp thuận dự án đầu tư.
Một số mô hình đầu tư góp vốn vào Việt Nam có thể thấy nhà đầu tư nước ngoài sẽ góp vốn bằng tiền, công nghệ, còn nhà đầu tư Việt Nam sẽ góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư.
Lưu ý về vốn đầu tư
Đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện về vốn pháp định thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư 2020, thì nhà đầu tư sẽ phải đáp ứng điều kiện vốn đầu tư tối thiểu sẽ phải bằng mức vốn pháp định.
Các trường hợp còn lại khác, không có yêu cầu về vốn pháp định thì nhà đầu tư có thể lựa chọn góp vốn đầu tư phù hợp với quy mô, khả năng của mình. Tuy nhiên, trong phần vốn đầu tư sẽ được chia thành hai phần là vốn chủ sở hữu và vốn vay thì tùy trường hợp cơ quan đăng ký đầu tư sẽ yêu cần vốn từ chủ sở hữu sẽ phải chiếm một tỷ lệ nhất định trong tổng số vốn đầu tư có thể là 20%, 15%,…
Bên cạnh đó, Nhà đầu tư cần lưu ý phải góp vốn đầu tư theo đúng như tiến độ cam kết ghi nhận trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Lưu ý về mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp
Nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp khi góp vốn vào Việt Nam. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài sẽ mở một tài khoản ngân hàng ở Việt Nam và chuyển khoản vào đó khoản vốn đầu tư của mình. Tài khoản có thể mở bằng ngoại tệ hoặc VNĐ tại một ngân hàng được phép thực hiện các giao dịch thu, chi. Trường hợp nhà đầu tư đi vay vốn bằng ngoại tệ khác đã đăng ký mở tài khoản thì có thể mở thêm tài khoản khác bằng ngoại tệ đi vay tại ngân hàng đã mở tài khoản ngoại tệ trước đó.
Trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thì nhà đầu tư có thể chuyển vốn đầu tư vào ngân hàng mở tài khoản vốn đầu tư như nêu trên để thanh toán các chi phí phù hợp trong quá trình chuẩn bị thực hiện đầu tư theo thỏa thuận bằng văn bản giữa các bên liên quan.
Khi nhà đầu tư có nhu cầu chuyển vốn, lợi nhuận và nguồn thu hợp pháp khác ra nước ngoài thì cần phải thực hiện qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp. Nếu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng tài khoản vốn đầu tư trực tiếp này thì nhà đầu tư được sử dụng tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ, VNĐ mở tại ngân hàng để thực hiện giao dịch mua ngoại tệ, chuyển vốn và nguồn thu hợp pháp ra nước ngoài sau khi hoàn thành các nghĩa vụ thuế tài chính theo quy định của pháp luật.
Trên đây là một số lưu ý đối với nhà đầu tư nước ngoài khi góp vốn vào Việt Nam, mọi thông tin chi tiết cần giải đáp vui lòng liên hệ trực tiếp tới Luật Định Hướng để được hỗ trợ.