Một số điểm mới của Luật Đầu tư 2020

Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực  ngày 01/01/2021 thay thế Luật Đầu tư 2014 đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đăng ký dự án đầu tư tại Việt Nam. Bài viết này sẽ cập nhật những điểm thay đổi này tới bạn đọc:

1. Bổ sung một số hình thức áp dụng ưu đãi đầu tư tại Khoản 1 Điều 15 Luật ĐT 2020: Theo đó, Nhà đầu tư sẽ được hưởng thêm các ưu đã khác theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp ngoài ưu đãi về miễn, giảm hoặc áp dụng mức thuế suất thấp. Đồng thời bổ sung hình thức ưu đãi là khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế.

2. Ngoài quy định về mức hưởng ưu đãi theo quy định pháp luật về thuế và đất đai, thì Luật Đầu tư 2020 có bổ sung theo pháp luật về kế toán.

3. Bổ sung rõ quy định về chính sách đầu tư kinh doanh tại Khoản 3 Điều 5 Luật ĐT 2020: Theo đó nhà đầu tư bị đình chỉ, ngừng, chấm dứt hoạt động kinh doanh nếu gây phương hại tới quốc phòng, an ninh quốc gia.

4. Bổ sung một số đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư theo Khoản 2 Điều 15 Luật ĐT 2020:

– Dự án đăng ký đầu tư có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc Chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời đáp ứng 1 trong các điều kiện sau: (1) tổng doanh thu tối thiểu đạt 10.000 tỷ đồng mỗi năm trong thời gian chậm nhất sau 03 năm kể từ năm có doanh thu; hoặc (2) sử dụng trên 3.000 lao động;

– Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội;

– Dự án đầu tư sử dụng lao động là người khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật;

– Dự án có công nghệ thuộc danh mục khuyến khích chuyển giao; cơ sở ươm tạo công nghệ,…

– Dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển;

– Đầu tư kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa;…

5. Theo Điều 17 Luật ĐT 2020 thì Nhà đầu tư sẽ tự xác định về các ưu đãi đầu tư và thực hiện thủ tục đăng ký hưởng ưu đãi tại cơ quan thuế, tài chính, hải quan và cơ quan có thẩm quyền tương ứng dựa trên căn cứ về đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan.

6. Theo Điều 21 Luật ĐT 2020 sẽ có những hình thức đầu tư sau đây:

– Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế

– Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp

– Thực hiện dự án đầu tư

– Đầu tư theo hợp đồng BCC

– Các hình thức khác theo quy định của chính phủ

7. Thay đổi về điều kiện xác định tổ chức kinh tế thực hiện thủ tục đầu tư như đối với nhà đầu tư nước ngoài theo Điều 23 Luật ĐT 2020, cụ thể:

– Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở lên /đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài

– Có tổ chức kinh tế (như quy định trên) nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở lên

– Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế (Như quy định trên) nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở lên.

Theo đó, thay đổi “nắm giữ 51% vốn điều lệ” thành “nắm giữ 50% vốn điều lệ”.

8. Theo Luật ĐT 2014 thì chỉ quy định về việc điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khi có nhu cầu thay đổi nội dung trên giấy đó, tuy nhiên theo quy định tại Điều 41 Luật ĐT 2020 quy định là điều chỉnh Dự án đầu tư, theo đó Nhà đầu tư sẽ thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư khi có nhu cầu thay đổi, trường hợp việc thay đổi dự án đầu tư làm thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì sẽ phải điều chỉnh Giấy chứng nhận tương ứng.

9. Bỏ quy định về giãn tiến độ đầu tư tại Điều 46 LĐT 2014. Đến thời điểm hiện tại chưa có văn bản nào hướng dẫn về việc giãn tiến độ đầu tư và thời gian giãn tiến độ, nên có thể hiểu nhà đầu tư có thể giãn tiến độ theo nhu cầu và phù hợp với quy định của pháp luật liên quan.

10. Quy định rõ ràng về các trường hợp chấm dứt hoạt động dự án đầu tư theo Điều 48 Luật ĐT 2020, cụ thể:

– Quy định rõ thành hai trường hợp là (1) Theo quyết định của nhà đầu tư và (2) theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

– Bổ sung một số trường hợp chấm dứt hoạt động dự án theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền như sau:

+ Dự án đầu tư thuộc trường hợp bị thu hồi đất do không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai;

+ Nhà đầu tư không ký quỹ hoặc không có bảo lãnh nghĩa vụ ký quỹ theo quy định của pháp luật đối với dự án thuộc diện bảo đảm thực hiện dự án đầu tư;

+ Nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư trên cơ sở giao dịch dân sự giả tạo theo quy định của pháp luật về dân sự;

– Bỏ quy định: Sau 12 tháng từ khi đăng ký mà nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện dự án đầu tư theo đúng tiến độ đăng ký với cơ quan có thẩm quyền (Ban quản lý khu công nghiệp, công nghệ cao và chế xuất các tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ương hoặc Sở kế hoạch đầu tư tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ương) và không thuộc trường hợp được giãn tiến độ thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Điều 46 của Luật ĐT 2020;

11. Gia hạn thời gian hoạt động dự án đầu tư theo Điều 44 Luật ĐT 2020, cụ thể:

– Hết thời hạn thực hiện dự án mà nhà đầu tư muốn tiếp tục thực hiện dự án đồng thời đáp ứng điều kiện theo pháp luật liên quan thì được xem xét gia hạn thực hiện hoạt động của dự án đầu tư nhưng không quá thời hạn tối đa theo quy định (50 năm đối với dự án trong khu công nghiệp và ngoài khu công nghiệp và 70 năm đối với dự án trong khu công nghệ cao), trừ 02 trường hợp sau:

(1)  Dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên
(2)  Dự án đầu tư thuộc trường hợp nhà đầu tư phải chuyển giao không bồi hoàn cho Nhà nước Việt Nam hoặc bên Việt Nam.

12. Chế độ báo cáo hoạt động đầu tư theo quy định tại Điều 74 Luật ĐT 2020 thì chỉ cần báo cáo quý và hàng năm mà không cần báo cáo hàng tháng.