Nghị định 35/2020/NĐ-CP ban hành có hiệu lực kể từ ngày 15/05/2020 hướng dẫn chi tiết quy định của Luật Cạnh 2018 và thay thế Nghị định 116/2005/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Cạnh tranh, đã có những sửa đổi, bổ sung mới giúp tổ chức, cá nhân có căn cứ, cơ sở rõ ràng để áp dụng đặc biệt đối với những doanh nghiệp có thị phần lớn hoặc doanh nghiệp thống lĩnh thị trường. Bài viết thuộc chuyên mục tư vấn pháp luật của Luật Định Hướng xin chia sẻ cụ thể Nghị định 35/2020/NĐ-CP đã có một số thay đổi so với Nghị định 116/2005/NĐ-CP như sau:
1. Quy định rõ về nguyên tắc xác định thị trường liên quan, làm rõ biện pháp mà Ủy ban cạnh tranh quốc gia sẽ thực hiện để xác định thị trường liên quan. (Điều 3.2)
2. Bổ sung một số tiêu chí xác định hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả để có thêm căn cứ xác định thị trường sản phẩm liên quan. Cụ thể:
+ Về đặc tính: Bổ sung căn cứ về đặc điểm, thành phần của hàng hóa, dịch vụ và tính chất riêng biệt của hàng hóa, dịch vụ.
+ Về mục đích sử dụng: hàng hóa, dịch vụ có mục đích sử dụng chủ yếu giống nhau.
+ Về giá cả: Thay đổi cách thức chính để xác định giá cả là “Khi giá của hàng hóa, dịch vụ chênh lệch nhau không quá 5% trong điều kiện giao dịch tương tự” , phương pháp chính theo Nghị định cũ sẽ trở thành phương pháp bổ trợ. Tuy nhiên, Nghị định 35/2020/NĐ-CP không chỉ rõ giá cả được tính là giá bán lẻ hay giá bán buôn. Nhưng, có thể hiểu để xác định giá cả của sản phẩm liên quan thì cần căn cứ vào thị trường liên quan và đối tượng của vụ việc để xác định loại giá cả. Có thể là giá bản lẻ, hoặc giá bán buôn tùy từng trường hợp cụ thể.
3. Mở rộng trường hợp xác định khả năng thay thế về cùng một loại hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp đồng thời làm rõ một số điều kiện (về thời gian, mức tăng chi phí) của cách xác định khả năng thay thế cung trong trường hợp doanh nghiệp chuyển sang sản xuất, kinh doanh sản phẩm khác. (Theo điều 5 NĐ 35)
4. Bổ sung một số yếu tố để xác định thị trường sản phẩm liên quan (TTSPLQ) trong trường hợp đặc biệt theo đó TTSPLQ có thể được xác định là thị trường của một hoặc một nhóm hàng hóa, dịch vụ đặc thù căn cứ vào đặc tính của hàng hóa, dịch vụ đó, tập quán tiêu dùng hoặc phương thức giao dịch đặc thù, bao gồm các phương thức có sử dụng công nghệ thông tin. Đồng thời làm rõ cách hiểu về sản phẩm bổ trợ là hàng hóa, dịch vụ được sử dụng nhằm nâng cao tính năng, hiệu quả hoặc cần thiết cho việc sử dụng sản phẩm liên quan. (Theo điều 6 NĐ 35)
5. Bổ sung một số tiêu chí để xác định ranh giới của khu vực địa lý khi xác định thị trường địa lý liên quan theo Điều 7 NĐ 35 gồm: rào cản mở rộng thị trường, tập quán tiêu dùng, Chi phí, thời gian để khách hàng mua hàng hóa, dịch vụ. Đồng thời định nghĩa và quy định rõ ràng về rào cản gia nhập, mở rộng thị trường:
+ Rào cản gia nhập, mở rộng thị trường là những yếu tố gây cản trở sự gia nhập, mở rộng thị trường của doanh nghiệp.
+ Quy định tổng quát và giải thích chi tiết từng loại rào cản gia nhập, mở rộng thị trường.
6. Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh (HCCT) được coi là Không gây ra hoặc Không có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể (Điều 11.3 NĐ 35):
Thỏa thuận HCCT (ấn định giá, phân chia khách hàng, phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa,…) giữa các doanh nghiệp có mối quan hệ theo chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng mà thị phần của từng doanh nghiệp nhỏ hơn 15% sẽ không bị cấm sẽ được phép thực hiện. Trường hợp chỉ cần một bên tham gia thỏa thuận có thị phần từ 15% trở lên => Thỏa thuận đó có thể bị xem xét bị cấm hay không dựa trên các yếu tố ở Khoản 2 nêu trên (thị phần, rào sản gia nhập thi tường,…).
Tuy nhiên, Luật đã đưa ra ngưỡng thị phần là 15% để đánh giá yếu tố gây tác động nên Thỏa thuận mà có 1 bên chiếm thị phần từ 15% trở lên tham gia thì có rủi ro cao bị coi là Thỏa thuận HCCT bị cấm.
7. Nguyên tắc đánh giá tác động và khả năng gây tác động HCCT (Điều 11.4 NĐ 35):
Trong quá trình đánh giá tác động và khả năng gây tác động HCCT của thỏa thuận, Ủy ban cạnh tranh quốc gia có quyền tham vấn ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan và yêu cầu doanh nghiệp tham gia thỏa thuận cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết.
8. Nguyên tắc xác định sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp (Điều 12.2 NĐ 35):
Trong quá trình xác định sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp, Ủy ban cạnh tranh quốc gia có quyền tham vấn ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan và yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp các thông tin, tài liệu cần thiết.
9. Quy định làm rõ và bổ sung thêm các yếu tố để xác định sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp/ nhóm doanh nghiệp theo (Điều 12.1 NĐ 35):
+ Tương quan thị phần giữa các doanh nghiệp trên thị trường liên quan được đánh giá trên cơ sở so sánh thị phần giữa các doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp trên thị trường liên quan;
+ Sức mạnh tài chính, quy mô của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp được đánh giá căn cứ vào năng lực tài chính, khả năng tiếp cận nguồn vốn, tín dụng và các nguồn tài chính khác, tổng nguồn vốn, tổng tài sản, số lao động, quy mô sản xuất, mạng lưới phân phối, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp đó trong tương quan với các doanh nghiệp khác là đối thủ cạnh tranh;
+ Rào cản gia nhập, mở rộng thị trường đối với doanh nghiệp khác được đánh giá dựa trên những yếu tố ảnh hưởng đến việc quyết định của doanh nghiệp khi gia nhập, mở rộng thị trường;
+ Khả năng nắm giữ, tiếp cận, kiểm soát thị trường phân phối, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ hoặc nguồn cung hàng hóa, dịch vụ được đánh giá căn cứ vào ưu thế của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp so với đối thủ cạnh tranh nhờ việc nắm giữ, kiểm soát mạng lưới phân phối, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ hoặc nguồn cung hàng hóa, dịch vụ trên thị trường;
+ Lợi thế về công nghệ, hạ tầng kỹ thuật của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp được đánh giá căn cứ vào ưu thế về công nghệ, hạ tầng kỹ thuật của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp đang sở hữu hoặc sử dụng cho sản xuất, kinh doanh so với đối thủ cạnh tranh;
+ Quyền sở hữu, nắm giữ, tiếp cận cơ sở hạ tầng được đánh giá để xác định ưu thế của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp với đối thủ cạnh tranh căn cứ vào mức độ thiết yếu, khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ;
+ Quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ được đánh giá để xác định ưu thế của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp so với đối thủ cạnh tranh căn cứ vào mức độ thiết yếu, khả năng tiếp cận đối tượng quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ;
+ Khả năng chuyển sang nguồn cung hoặc cầu đối với các hàng hóa, dịch vụ liên quan khác được xác định dựa trên chi phí và thời gian cần thiết để khách hàng, doanh nghiệp chuyển sang mua, bán hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp khác trên cùng thị trường liên quan;
+ Các yếu tố đặc thù trong ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh được đánh giá để xác định ưu thế của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp so với đối thủ cạnh tranh trong điều kiện cụ thể của ngành, lĩnh vực đó.