Góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của công ty Việt Nam

Ngoài hình thức đầu tư trực tiếp thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thì các nhà đầu tư nước ngoài có thể lựa chọn đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào công ty đã thành lập tại Việt Nam. Đây cũng là một trong những hình thức đầu tư có nhiều lợi thế cho nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt khi muốn đầu tư vào doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề đầu tư có điều kiện và doanh nghiệp tại Việt Nam đó đã đáp ứng tất cả các điều kiện để hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, thì hình thức đầu tư này đòi hỏi nhà đầu tư nước ngoài phải hiểu về doanh nghiệp dự định hợp tác, cũng như pháp luật về đầu tư để hạn chế rủi ro.

Các hình thức đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp được cụ thể như sau:

Thứ nhất, đầu tư góp vốn gồm:

– Mua cổ phần phát hành lần đầu hoặc phát hành thêm của công ty cổ phần;

– Góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty hợp danh;

– Góp vốn vào công ty tại Việt Nam theo các hình thức khác.

Thứ hai, đầu tư mua cổ phần, phần vốn góp gồm:

– Mua cổ phần từ công ty hoặc cổ đông công ty cổ phần;

– Mua phần vốn góp của thành viên công ty TNHH;

– Mua phần vốn góp của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh;

– Mua phần vốn góp của thành viên tổ chức kinh tế khác ngoài công ty CP, công ty TNHH, công ty hợp danh.

Quy định liên quan đến hoạt động góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của công ty Việt Nam

Tùy từng trường hợp đầu tư, mà nhà đầu tư và doanh nghiệp nhận vốn đầu tư sẽ phải thực hiện thủ tục đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài hay chỉ thực hiện thủ tục đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư trong nước. Khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư 2020 quy định: “Tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi… đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác,… nếu tổ chức kinh tế đó thuộc một trong các trường hợp sau:

(a) Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữa trên 50% vốn điều lệ hoặc đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là doanh nghiệp hợp danh;

(b) Có tổ chức kinh tế theo điểm (a) trên nắm giữ trên 50% vốn điều lệ;

(c) Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế theo điểm (a) nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Doanh nghiệp không thuộc trường hợp (a) (b) (c) nêu trên thì sẽ cần đáp ứng điều kiện và thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư trong  nước khi thực hiện đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.

Nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp cần đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục thay đổi cổ đông, thành viên theo quy định tương ứng với loại hình doanh nghiệp.

Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trước khi đăng ký thay đổi cổ đông, thành viên khi:

+ Việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp dẫn đến tăng tỷ lệ sở hữu của Nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài;

+ Việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư 2020 trên nắm giữa trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp trong các trường hợp như sau: tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của NĐT nước ngoài từ dưới hoặc bằng 50% lên trên 50%; tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của NĐT nước ngoài khi NĐT nước ngoài đã sở hữu trên 50% vốn điều lệ trong doanh nghiệp;

+ NĐT nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp có GCN quyền sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển, khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.

Các trường hợp khác thì sẽ do nhà đầu tư lựa chọn việc có thực hiện đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp hay không, luật không quy định bắt buộc phải đăng ký.

Thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào doanh nghiệp Việt Nam

Hồ sơ cần chuẩn bị

Để đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào doanh nghiệp Việt Nam thì NĐT nước ngoài cần chuẩn bị một bộ hồ sơ như sau:

(a) Văn bản đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp (theo mẫu) gồm nội dung như sau:

+ Thông tin  đăng ký doanh nghiệp của doanh nghiệp mà NĐT nước ngoài dự kiến góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp;

+ Ngành, nghề kinh doanh;

+ Danh sách cổ đông sáng lập, danh sách cổ đông là NĐT nước ngoài (nếu có);

+ Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của NĐT nước ngoài trước và sau khi góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào doanh nghiệp;

+  giá trị giao dịch của hợp đồng góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp;

+ Thông tin về dự án đầu tư của doanh nghiệp (nếu có);

b) Bản sao giấy tờ pháp lý theo quy định tại Khoản 15 điều 2 Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư 2020 của cá nhân, tổ chức đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp và doanh nghiệp có NĐT nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp;

c) Thỏa thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp giữa NĐT nước ngoài và doanh nghiệp nhận góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp;

d) Văn bản kê khai (kèm theo bản sao) của GCN quyền sử dụng đất của doanh nghiệp nhận vốn góp, cổ phần, phần vốn góp của NĐT nước ngoài (đối với trường hợp tại điểm b và c khoản 2 Điều 24 Luật Đầu tư 2020). Doanh nghiệp có NĐT nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kê khai trung thực, chính xác.

Trình tự giải quyết hồ sơ

Sau  khi chuẩn bị bộ hồ sơ đầy đủ nêu trên, các bên sẽ tiến hành nộp hồ sơ tại Sở kế hoạch đầu tư nơi doanh nghiệp có NĐT nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp đặt trụ sở chính.

Nếu như hồ sơ đầy đủ và hợp lệ đồng thời NĐT nước ngoài đáp ứng các điều kiện theo quy định thì trong thời hạn là 15 ngày làm việc sẽ ra thông báo tới người nộp hồ sơ bằng văn bản, để người nộp hồ sơ làm thủ tục đăng ký thay đổi thành viên, cổ đông trong công ty. Nếu trường hợp hồ sơ không hợp lệ hoặc NĐT nước ngoài không đáp ứng được điều kiện theo quy định thì sẽ ra thông báo và nêu rõ lý do không đồng ý về việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của NĐT nước ngoài.