Nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ như thế nào?

Với mục đích cung cấp cho người đọc những kiến thức, thực tiễn liên quan đến các quyền sở hữu trí tuệ. Trong chuyên mục Sở hữu trí tuệ, Luật Định Hướng luôn hướng tới xây dựng các bài viết mô tả khái quát và dễ hình dung nhất về các tài sản sở hữu trí tuệ gồm: Sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, giải pháp hữu ích, bản quyền tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, nhãn hiệu, thương hiệu,…

Tại bài viết này, chúng tôi sẽ đi sâu vào việc chia sẻ các kiến thức liên quan đến nhãn hiệu nổi tiếng, và làm thế nào để bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng, hy vọng sẽ cung cấp cho mọi người những thông tin bổ ích và quý giá.

Khái quát về nhãn hiệu nổi tiếng

Nhãn hiệu nổi tiếng trước tiên chính là nhãn hiệu, là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân này với hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh khác. Để được coi là nhãn hiệu nổi tiếng thì nhãn hiệu đó phải được người tiêu dùng biết đến một cách rộng rãi trong một khu vực địa lý, một vùng lãnh thổ nhất định.

Không giống với nhãn hiệu thông thường, nhãn hiệu nổi tiếng sẽ được xác lập trên cơ sở sử dụng mà không phụ thuộc vào việc nhãn hiệu đó có được đăng ký bảo hộ hay không. Có thể kể đến một số nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới như Apple, Coca-Cola, Pepsi, Samsung,… mang đến cho chủ sở hữu một giá tị lợi nhuận khổng lồ, có giá trị thương mại rất lớn.

Mỗi một quốc gia đều có những quy định riêng về nhãn hiệu nổi tiếng, cách đánh giá cũng như quy định về bảo hộ. Tại Việt Nam, nhãn hiệu nổi tiếng được định nghĩa như sau: “Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam”. Hay trong điều 6bis Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp có quy định về vấn đề này, nhưng chỉ quy định về trách nhiệm của các nước thành viên công ước liên quan mà không có định nghịa cụ thể về nhãn hiệu nổi tiếng. Theo đó, trách nhiệm của các nước thành viên sẽ gồm: từ chối, hủy bỏ đơn đăng ký, ngăn cấm việc sử dụng những nhãn hiệu trùng hoặc gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của các nước khác đã được coi nhãn hiệu nổi tiếng, việc bảo hộ ở phạm vi rất rộng, bảo hộ cho mọi hàng hóa, dịch vụ mà không chỉ hạn chế ở những nhóm hàng hóa, dịch vụ đã được đăng ký. Ví dụ như: không ai có thể đăng ký nhãn hiệu Coca-cola cho bất kỳ hàng hóa, dịch vụ nào, dù trên thực tế chủ sở hữu nhãn hiệu Coca-cola chỉ kinh doanh các mặt hàng nước giải khát.

Quy định của pháp luật về nhãn hiệu nổi tiếng

Theo quy định tại Điều 75 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2009 và 2019 có đưa ra các tiêu chí để đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng như sau:

– Số lượng người tiêu dùng đã biết đến nhãn hiệu đó thông qua việc mua bán, sử dụng sản phẩm mang nhãn hiệu hoặc thông qua quảng cáo.

– Phạm vi lãnh thổ mà hàng hóa, dịch vụ gắn nhãn hiệu đó lưu hành.

– Doanh số từ việc cung ứng và bán dịch vụ, hàng hóa mang nhãn hiệu đó hoặc số lượng hàng hóa, hoặc dịch vụ đã được cung ứng hoặc bán ra trên thị trường.

– Thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu đó.

– Uy tín rộng rãi của dịch vụ, hàng hóa mang nhãn hiệu đó.

– Số lượng quốc gia, vùng lãnh thổ bảo hộ nhãn hiệu đó.

– Số lượng quốc gia, vùng lãnh thổ công nhận nhãn hiệu đó là nổi tiếng.

– Giá chuyển nhượng, chuyển giao, hay giá trị vốn góp đầu tư của nhãn hiệu đó.

Trước hết, để trở thành một nhãn hiệu nổi tiếng, thì nhãn hiệu đó phải được biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Như vậy, dù một nhãn hiệu nổi tiếng ở quốc gia khác nhưng lại chưa được biết đến ở Việt Nam thì cũng không được coi là nhãn hiệu nổi tiếng, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và nước có nhãn hiệu nổi tiếng đó cũng là thành viên có quy định khác. Nếu nhãn hiệu lần đầu tiên đưa vào thị trường Việt Nam chưa được người tiêu dùng Việt nam biết đến thì vẫn cần phải đăng ký bảo hộ nhãn hiệu như những nhãn hiệu thông thường khác. Ví dụ: Coca-Cola khi vào thị trường Việt Nam vẫn đăng ký bảo hộ như một nhãn hiệu thông thường.

Dù không phải đăng ký để được bảo hộ, nhưng để chứng minh được một nhãn hiệu là nổi tiếng căn cứ vào các tiêu chí theo quy định của pháp luật thì rất khó, nhiều tiêu chí chỉ mang tính ước lượng, hình thức, ví dụ tiêu chí về uy tín rộng rãi của nhãn hiệu, số lượng người tiêu dùng biết đến rộng rãi,… thì không có căn cứ cụ thể để đánh giá như thế nào là đạt tiêu chí.

Chủ sở hữu nhãn hiệu sẽ phải tự chứng minh nhãn hiệu của mình đáp ứng các tiêu chí để trở thành nhãn hiệu nổi tiếng vào gửi tới các quan có thẩm quyền đánh giá nhãn hiệu để công nhận nhãn hiệu đố trở thành nhãn hiệu nổi tiếng. Như đã trình bày ở trên thì việc chứng minh nhãn hiệu nổi tiếng sẽ rất khó khăn. Nên một lời khuyên cho những tổ chức, cá nhân nước ngoài khi đưa sản phẩm, dịch vụ vào thị trường Việt Nam vẫn nên đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, không nên dựa vào sự nổi tiếng của nhãn hiệu đó ở một số quốc gia mà không thực hiện đăng ký bảo hộ ở Việt Nam. Vì trên thực tế, cơ chế bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng ở mỗi quốc gia sẽ có sự khác biệt.

Thực tế về việc bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng

Trên thực tế thì vẫn có một số nhãn hiệu nổi tiếng thế giới khi không được đúng chủ sở hữu nhãn hiệu đó đăng ký tại Việt Nam thì có thể vẫn sẽ bị từ chối tại Việt Nam. Tuy nhiên, không phải lúc nào Cục Sở hữu trí tuệ cũng có thể biết đến các nhãn hiệu này để chủ động từ chối đơn đăng ký nên nhiều trường hợp việc từ chối đơn đăng ký hoặc hủy văn bằng bảo hộ đã cấp sẽ phụ thuộc vào việc chủ sở hữu nhãn hiệu đó có ý kiến phản đối đơn/ văn bằng bảo hộ đã cấp hay không.

Ví dụ: Nhãn hiệu PIZZA HUT đã được cấp văn bằng bảo hộ độc quyền cho công ty liên doanh Thủy Tạ – Ophix, do tại thời điểm công ty này đăng ký thì tại Việt Nam chưa có thông tin gì về việc nhãn hiệu PIZZA HUT là nhãn hiệu nổi tiếng và cũng không có yêu cầu phản đối đơn, nên Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp văn bằng bảo hộ dựa trên các tiêu chí đánh giá như đối với nhãn hiệu thông thường. Tuy nhiên, công ty Domino’s Pizza đã khiếu nại rằng đây là nhãn hiệu nổi tiếng tại nhiều nước trên thế giới và thuộc sở hữu của công ty Domino’s Pizza. Và Cục SHTT và Tòa án có thẩm quyền đã quyết định hủy văn bằng bảo hộ đã cấp cho công ty liên doanh Thủy Tạ – Ophix.

Như vậy, qua vụ việc trên có thể thấy rằng, nếu như không có sự khiếu nại công ty Domino’s Pizza thì nhãn hiệu PIZZA HUT sẽ không được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng theo quy định của Việt Nam. Qua sự việc phản đối đơn, thì nhãn hiệu PIZZA HUT đã được coi là nhãn hiệu nổi tiếng. Việc xác định nhãn hiệu nổi tiếng trong trường hợp này là dựa trên cơ sở nộp đơn đăng ký, đã được cấp văn bằng bảo hộ nhưng có sự phản đối của bên thứ ba là chủ sở hữu của nhãn hiệu nổi tiếng.

Từ đó, có thể thấy rằng, nhãn hiệu nổi tiếng sẽ được công nhận khi:

+ Có yêu cần công nhận khi phát sinh các tranh chấp cụ thể. Và việc công nhận này sẽ trở thành tiền lệ để áp dụng về sau, không một tổ chức, cá nhân nào khác có thể đăng ký nhãn hiệu giống hoặc tương tự gây nhẫm lẫn với nhãn hiệu đã được công nhận là nổi tiếng từ tranh chấp cụ thể đó.

+ Tổ chức, cá nhân yêu cầu cơ quan có thẩm quyền công nhận nhãn hiệu của mình là nổi tiếng dựa trên việc chứng minh đáp ứng các tiêu chí theo quy định (như đã trình bày tại mục 2).