Những lưu ý khi ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ

Hợp đồng chuyển giao công nghệ là một trong những hợp đồng rất đặc thù đối với các doanh nghiệp sản xuất có nhận chuyển giao công nghệ từ một bên khác để áp dụng công nghệ đó vào hoạt động sản xuất của mình. Soạn thảo hợp đồng chuyển giao công nghệ không chỉ nhằm ràng buộc trách nhiệm pháp lý của các bên tham gia hợp đồng mà còn là bắt buộc theo quy định của pháp luật trọng một số trường hợp. Và cụ thể pháp luật quy định như thế nào về loại hợp đồng này thì bài viết này xin chia sẻ một số lưu ý cơ bản liên quan.

Đối tượng được phép chuyển giao công nghệ

Công nghệ được chuyển giao có thể là một trong những đối tượng sau đây và không thuộc trường hợp bị cấm chuyển giao gồm:

+ Bí quyết kỹ thuật, công nghệ

+ Phương án, quy trình công nghệ, giải pháp, thông số, sơ đồ, bản vẽ kỹ thuật, công thức phần mềm, thông tin dữ liệu

+ Giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ

+ Máy móc, thiết bị đi kèm các đối tượng nêu trên

Lưu ý đối với công nghệ bị hạn chế chuyển giao sẽ cần xin chấp thuận, phê duyệt theo quy định.

Những hình thức chuyển giao công nghệ

+ Chuyển giao công nghệ độc lập

+ Chuyển giao thông qua: dự án đầu tư, góp vốn, nhượng quyền thương mại, chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ, mua bán máy móc, thiết bị

+ Chuyển giao bằng các hình thức khác theo quy định

Lưu ý rằng, đối với trường hợp chuyển giao công nghệ độc lập và chuyển giao bằng việc góp vốn thì cần được lập thành hợp đồng; đối với các trường hợp khác thì được thể hiện dưới dạng hợp đồng hoặc điều khoản, phụ lục hợp đồng hoặc hồ sơ dự án đầu tư có các nội dung về chuyển giao công nghệ theo quy định của luật chuyển giao công nghệ.

Các phương thức chuyển giao công nghệ

+ Chuyển giao tài liệu công nghệ

+ Đào tạo về công nghệ cho bên nhận công nghệ theo thỏa thuận

+ Cử chuyên gia kỹ thuật cho bên nhận công nghệ để đưa công nghệ được chuyển giao vào ứng dụng trong hoạt động sản xuất, đạt các chỉ tiêu về chất lượng, tiến độ theo thỏa thuận

+ Chuyển giao máy móc, thiết bị đi kèm công nghệ

+ Phương thức khác theo sự thỏa thuận của các bên

Quyền chuyển giao công nghệ

Quyền chuyển giao công nghệ được pháp luật quy định cụ thể như sau:

+ Chủ sở hữu của công nghệ có quyền chuyển nhượng hoặc chuyển giao quyền sử dụng công nghệ

+ Tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng hợp pháp công nghệ có quyền chuyển giao công nghệ khi được chủ sở hữu công nghệ cho phép

+ Phạm vi chuyển giao công nghệ sẽ do sự thỏa thuận của các bên và nằm trong các trường hợp sau: (1) độc quyền hoặc không độc quyền, và (2) quyền chuyển giao thứ cấp cho bên thứ ba.

Giao kết hợp đồng chuyển giao công nghệ

Khi giao kết hợp đồng chuyển giao công nghệ thì các bên cần lưu ý rằng:

+ Việc giao kết phải lập thành văn bản hoặc hình thức khác tương đương giao dịch bằng văn bản theo Bộ luật Dân sự. Soạn thảo hợp đồng xong, các bên cần ký, đóng dấu (nếu có), ký và đóng dấu giáp lai (nếu có) vào các trang của hợp đồng và phụ lục hợp đồng.

+ Ngôn ngữ sử dụng trong hợp đồng chuyển giao công nghệ sẽ theo sự thỏa thuận của các bên.

Nội dung của Hợp đồng chuyển giao công nghệ

Theo quy định của Luật chuyển giao công nghệ, trong nội dung của loại hợp đồng này cần có những nội dung cơ bản như sau:

(1) Tên công nghệ được chuyển giao

(2) Đối tượng công nghệ được chuyển giao, sản phẩm do công nghệ tạo ra, tiêu chuẩn, chất lượng của sản phẩm

(3) Chuyển nhượng hay chuyển giao công nghệ

(4) Phương thức mà công nghệ được chuyển giao

(5) Quyền và nghĩa vụ của bên nhận và bên chuyển giao

(6) Giá, phương thức thanh toán

(7) Thời hạn, thời điểm hợp đồng có hiệu lực

(8) Khái niệm, thuật ngữ được sử dụng trong hợp đồng (nếu có)

(9) Kế hoạch, tiến độ, địa điểm chuyển giao công nghệ

(10) Trách nhiệm bảo hành công nghệ

(11) Phạt vi phạm

(12) Trách nhiệm khi vi phạm hợp đồng

(13) Cơ quan giải quyết tranh chấp

(14) Nội dung khác do các bên thỏa thuận

Thời hạn thực hiện và thời điểm có hiệu lực của Hợp đồng chuyển giao công nghệ

+ Thời hạn thực hiện: do các bên thỏa thuận

+ Thời điểm có hiệu lực: do các bên thỏa thuận, trường hợp không có thỏa thuận thì sẽ có hiệu lực tại thời điểm giao kết trừ trường hợp hợp đồng phải đăng ký.

+ Đối với hợp đồng chuyển giao công nghệ hạn chế chuyển giao: thời điểm có hiệu lực được tính từ ngày được cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ.

+ Đối với hợp đồng thuộc trường hợp phải đăng ký thì hợp đồng có hiệu lực từ thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ. (Những hợp đồng Chuyển giao thông qua: dự án đầu tư, góp vốn, nhượng quyền thương mại, chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ, mua bán máy móc, thiết bị và thuộc một trong ba trường hợp sau sẽ phải đăng ký: (1) chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam, (2) chuyển giao từ Việt Nam ra nước ngoài, (3) chuyển giao trong nước có sử dụng ngân sách nhà nước).

Trên đây là một số lưu ý khi soạn thảo và ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ mà quý khách hàng cần lưu ý. Mọi thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ trực tiếp tới Luật Định Hướng để được tư vấn, hỗ trợ.