Lưu ý khi soạn thảo hợp đồng chuyển giao công nghệ

Chuyển giao công nghệ là một trong những hoạt động thường thấy trong các doanh nghiệp sản xuất để giúp bên chuyển giao có thể nhận công nghệ, kỹ thuật và cách thức vận hành máy móc thiết bị để sản xuất ra một, hoặc một số loại sản phẩm; còn bên chuyển giao công nghệ có thể thu được một khoản lợi nhất định, hoặc góp vốn vào doanh nghiệp bằng công nghệ. Để chuyển giao công nghệ thì bạn phải soạn thảo hợp đồng chuyển giao, hoặc thỏa thuận về việc chuyển giao theo các nội dung phù hợp với quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ.

Những trường hợp phải lập hợp đồng chuyển giao công nghệ

Theo quy định tại Điều 5 Luật Chuyển giao công nghệ 2017 thì những trường hợp sau đây bắt buộc phải lập hợp đồng chuyển giao công nghệ:

+ Chuyển giao công nghệ độc lập;

+ Chuyển giao công nghệ trong trường hợp góp vốn bằng công nghệ.

Các hình thức chuyển giao công nghệ khác như chuyển giao công nghệ theo dự án đầu tư, nhượng quyền thương mại, chuyển giao quyền sở hữu, mua bán máy móc thiết bị,… thì có thể thể hiện dưới hình thức hợp đồng, điều khoản, phụ lục hợp đồng hoặc hồ sơ dự án đầu tư.

Các phương thức chuyển giao công nghệ

Khi chuyển giao công nghệ thì các bên có thể lựa chọn một hoặc kết hợp một số phương thức chuyển giao công nghệ sau đây:

+ Chuyển giao các tài liệu về công nghệ;

+ Đào tạo cho bên nhận chuyển giao công nghệ để nắm vững, làm chủ công nghệ trong thời hạn đã thỏa thuận;

+ Cử chuyên gia kỹ thuật để tư vấn cho bên nhận chuyển giao công nghệ đưa công nghệ vào ứng dụng, vận hành để đạt các chỉ tiêu chất lượng, tiến độ đã thỏa thuận;

+ Chuyển giao công nghệ kèm máy móc, thiết bị;

+ Hoặc phương thức chuyển giao công nghệ khác do các bên thỏa thuận.

Các phương thức chuyển giao công nghệ sẽ phải quy định rõ trong hợp đồng chuyển giao công nghệ.

Nội dung của hợp đồng chuyển giao công nghệ

Khi soạn thảo hợp đồng chuyển giao công nghệ thì người soạn thảo cần lưu ý nội dung của hợp đồng chuyển giao công nghệ phải gồm các nội dung theo quy định tại Điều 23 Luật chuyển giao công nghệ 2017. Nếu như thiếu một trong các nội dung này, thì hợp đồng sẽ không đạt yêu cầu, không phù hợp với quy định của pháp luật.

Cụ thể các nội dung bắt buộc phải có trong hợp đồng chuyển giao công nghệ như sau:

(1) Tên công nghệ được chuyển giao

(2) Đối tượng công nghệ chuyển giao, sản phẩm được tạo ra, tiêu chuẩn và chất lượng của sản phẩm được tạo ra

(3) Phạm vi chuyển giao công nghệ là chuyển nhượng quyền sở hữu hay chuyển giao quyền sử dụng (độc quyền hay không độc quyền, có được chuyển quyền sử dụng thứ cấp hay không?)

(4) Phương thức chuyển giao công nghệ (là các phương thức quy định tại Mục 2)

(5) Quyền và nghĩa vụ của bên chuyển giao và bên nhận chuyển giao công nghệ

(6) Giá cả và phương thức thanh toán

(7) Thời hạn hợp đồng và thời điểm hợp đồng có hiệu lực

(8) Các khái niệm, thuật ngữ sử dụng trong hợp đồng (nếu có)

(9) Kế hoạch, tiến độ chuyển giao, địa điểm thực hiện việc chuyển giao công nghệ

(10) Trách nhiệm bảo hành công nghệ được chuyển giao

(11) Phạt vi phạm hợp đồng

(13) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng

(12) Cơ quan giải quyết tranh chấp

(13) Nội dung khác theo thỏa thuận của các bên

Giá và phương thức thanh toán trong chuyển giao công nghệ

Giá cả và phương thức thanh toán là một trong những nội dung quan trọng của hợp đồng chuyển giao công nghệ. Pháp luật cho phép các bên thỏa thuận về giá cả và phương thức chuyển giao công nghệ. Theo đó, việc thanh toán cho công nghệ được chuyển giao có thể được thực hiện bằng các phương thức sau:

+ Trả một lần hoặc nhiều lần bằng tiền hoặc sản phẩm;

+ Chuyển giá trị công nghệ thành  vốn góp vào dự án hoặc vốn vào doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;

+ Trả theo % giá bán tịnh;

+ Trả theo % doanh thu thuần;

+ Trả theo % lợi nhuận trước thuế của bên nhận chuyển giao công nghệ;

+ Phương thức khác theo thỏa thuận của các bên.

Lưu ý: Giá của công nghệ chuyển giao trong các trường hợp sau đây phải được kiểm toán và được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế: Giữa các bên mà một hoặc nhiều bên có vốn nhà nước; giữa các bên có quan hệ theo mô hình công ty mẹ – con; giữa các bên có quan hệ liên kết theo quy định của pháp luật thuế.

Những trường hợp phải đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ

Theo quy định thì một số trường hợp chuyển giao công nghệ sau đây ngoài việc phải soạn thảo hợp đồng thì phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền về khoa học công nghệ (trừ những đối tượng công nghệ chuyển giao đã được cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ), cụ thể:

+ Chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam;

+ Chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài;

+ Chuyển giao công nghệ trong nước có sử dụng vốn nhà nước, ngân sách nhà nước trừ trường hợp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Lưu ý: Nếu hợp đồng chuyển giao công nghệ thuộc một trong các trường hợp như dưới đây sẽ không được cấp phép đăng ký chuyển giao công nghệ: (1) Hợp đồng chuyển giao công nghệ hạn chế chuyển giao (trường hợp này phải xin Giấy phép chuyển giao công nghệ); (2) Hợp đồng chuyển giao công nghệ không có đối tượng công nghệ, nội dung chuyển giao công nghệ; (3) Nội dung hợp đồng trái với quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ.

Trên đây là một số lưu ý về việc giao kết hợp đồng chuyển giao công nghệ, mọi thông tin liên hệ soạn thảo hợp đồng vui lòng liên hệ trực tiếp tới Luật Định Hướng để được tư vấn, hỗ trợ.