Quyền sở hữu phát minh của người lao động có thuộc về người sử dụng lao động?

Quyền sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp vô cùng quan trọng, việc xác định những tài sản sở hữu trí tuệ nào do người lao động tạo ra trong quá trình làm việc thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp, tài sản nào thuộc quyền sở hữu của người lao động, từ đó đưa ra chính sách phù hợp để quản lý tốt hơn tài sản trí tuệ là việc làm cần thiết.

Liên quan đến vấn đề này, gần đây chúng tôi có nhận Câu hỏi tư vấn pháp luật về sở hữu trí tuệ như sau:

  1. Người lao động trong quá trình làm việc có phát minh ra một cải tiến nào đó thì phát minh đó có được xem là thuộc quyền sở hữu của người lao động không? Làm rõ điều kiện ràng buộc nếu có.
  2. Có thể bổ sung vào hợp đồng lao động rằng “bất cứ phát minh nào do người lao động tạo ra đều thuôc sở hữu của người sử dụng lao động” không?

Trả lời:

  1. Về câu hỏi thứ nhất, xin được trả lời như sau:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 86 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009, 2019 thì tổ chức, cá nhân sau đây sẽ có quyền sở hữu, đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là:

+ Tác giả tạo ra sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí bằng công sức và chi phí của mình;

+ Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc trừ trường hợp có thỏa thuận khác…

Từ quy định nêu trên, xét đến trường hợp trong doanh nghiệp sẽ có 03 trường hợp như sau:

Trường hợp 1: Người sử dụng lao động đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất và người lao động được thuê hoặc giao nhiệm vụ để nghiên cứu, phát triển một một dung, cải tiến, thiết kế, …Trong trường hợp này thì người sử dụng lao động sẽ có quyền nộp đơn đăng ký bằng sáng chế, giải pháp hữu ích, thiết kế,… đó và khi được cấp văn bằng bảo hộ thì người sử dụng lao động sẽ là chủ sở hữu.

Trường hợp 2: Người lao động không được thuê hoặc giao việc nhưng có sử dụng công cụ, phương tiện, tiện ích của người sử dụng lao động để phát triển, phát minh, cải tiến. Thì sẽ tùy thuộc vào quy chế quản lý tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, có thể ký thỏa thuận để xác định quyền sở hữu, cần phải thỏa thuận với người lao động.

Trường hợp 3: Người sử dụng lao động không được thuê hoặc giao nghiệm vụ nghiên cứu sáng chế và người lao động cũng không sử dụng phương tiện, tiện ích của người sử dụng lao động để tạo ra phát minh đó, đồng nghĩa phát minh, cải tiến này tạo ra ngoài quá trình lao động, quan hệ lao động và thời gian lao động, do đó, phát minh, cải tiến này sẽ thuộc về người lao động.

Như vậy, dựa vào 03 trường hợp phân tích nêu trên, người sử dụng lao động sẽ đánh giá về phát minh, cải tiến của người lao động sẽ thuộc quyền sở hữu của bên nào. Đối với trường hợp 02 nêu trên, lưu ý cần thỏa thuận rõ ràng với người lao động.

  1. Về câu hỏi thứ hai, xin được trả lời như sau:

Về nguyên tắc, pháp luật ưu tiên sự thỏa thuận của các bên chỉ cần phù hợp với các quy định của pháp luật. Nên người sử dụng lao động có thể bổ sung nội dung nhằm hiểu rằng “bất cứ phát minh nào do người lao động tạo ra đều thuôc sở hữu của người sử dụng lao động”. Tuy nhiên, cần lưu ý những nội dung sau đây khi quy định vào hợp đồng lao động:

+ Cần xác định rõ phạm vi đối tượng phát minh thuộc sở hữu của người sử dụng lao động như: trong những trường hợp nào thì phát minh của người lao thuộc quyền sở hữu của TVN. Ví dụ mọi phát minh của người lao động trong thời gian làm việc tại công ty sẽ thuộc sở hữu của công ty; …

+ Cần thỏa thuận rõ về mức phí và thời gian trả phí: có thể ấn định mức thù lao hoặc không được trả thù lao. Vì nếu không quy định rõ hoặc không có thỏa thuận thì sẽ áp dụng cách tính phí theo quy định tại Điều 135.2 Luật SHTT như sau:

“2. Mức thù lao tối thiểu mà chủ sở hữu phải trả cho tác giả được quy định như sau:

  1. a) 10% số tiền làm lợi mà chủ sở hữu thu được do sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí;
  2. b) 15% tổng số tiền mà chủ sở hữu nhận được trong mỗi lần nhận tiền thanh toán do chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí.”

Trên đây là nội dung tư vấn liên quan đến quyền sở hữu phát minh được tạo ra bởi người lao động trong quá trình làm việc. Mọi thông tin tư vấn liên quan về pháp luật sở hữu trí tuệ vui lòng liên hệ trực tiếp để được hỗ trợ.