Quyền tự bảo vệ của chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ

Để thực thi quyền tự bảo vệ các tài sản sở hữu trí tuệ của chính mình như: nhãn hiệu, sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp,… đã được bảo hộ thì tổ chức, cá nhân có thể áp dụng  một hoặc một số biện pháp khác nhau phù hợp với quy định của pháp luật. Trong phạm vi bài viết này, xin được trình bày dưới dạng liệt kê các biện pháp thực thi quyền sở hữu công nghiệp để người đọc tham khảo, áp dụng khi phát sinh trên thực tế.

Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2009 và 2019; Nghị định 99/2013/NĐ-CP (xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp) và Bộ luật Hình sự, gồm:

(i) Quyền tự bảo vệ khi bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân:

(ii) Biện pháp Dân sự,

(iii) Biện pháp hành chính;

(iv) Biện pháp hình sự.

Quy định cụ thể về các quy định của pháp luật và hướng dẫn thực thi các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp nêu trên:

Quyền tự bảo vệ của tổ chức, cá nhân khi bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ:

Quyền này được quy định cụ thể tại Điều 198 Luật sở hữu trí tuệ. Tổ chức cá nhân bị xâm phạm quyền SHTT có các quyền sau đây:

– Yêu cầu tổ chức, cá nhân mà có hành vi xâm phạm phải chấm dứt hành vi đó, đồng thời xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại (nếu có). Gửi yêu cầu bằng văn bản hoặc các phương thức khác qua email, điện thoại…

– Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đó.

– Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài hành vi xâm phạm đó để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Xử lý biện bằng biện pháp dân sự

Tổ chức cá nhân bị xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án áp dụng các biện pháp xử lý bên vi phạm như sau:

– Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;

– Buộc xin lỗi, cải chính công khai;

– Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;

– Buộc bồi thường thiệt hại (nếu có);

– Buộc tiêu hủy hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa vi phạm quyền sở hữu công nghiệp

Xử lý bằng biện pháp hành chính

Căn cứ theo quy định tại Điều 198 Luật sở hữu trí tuệ, có thể gửi đơn yêu cầu cơ quan có thẩm quyền để xử lý hành vi vi phạm hành chính theo quy định dưới đây:

– Quy định chung tại các Điều 211, 213 và 214 Luật sở hữu trí tuệ. Quy định cụ thể tại Nghị định 99/2013/NĐ-CP.

– Các hình thức xử phạt hành chính có thể được áp dụng:

+ Cảnh cáo

+ Phạt tiền: Lên đến 250 triệu (đối với cá nhân) và 500  triệu (đối với tổ chức)

+ Hình phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, công cụ vi phạm; và/ hoặc đình chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh có thời hạn (01 đến 03 tháng);

+ Áp dụng biện pháp khắc phục: Buộc tiêu hủy hoặc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa giả mạo SHTT hoặc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, tái xuất đối với hàng quá cảnh, hàng nhập khẩu giả mạo SHTT.

– Cơ quan có thẩm quyền: Thanh tra Khoa học công nghệ; cơ quan quản lý thị trường; cơ quan công an; hải quan; ủy ban nhân dân các cấp.

Xử lý bằng biện pháp hình sự

Cơ quan tiếp nhận yêu cầu: cơ quan điều tra, viện kiểm sát.

Cơ quan xử lý: Tòa án

Quy định tại Bộ luật Hình sự: Có thể áp dụng theo một trong hai điều:

Điều 226 (Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp); Điều 192 (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả).

Trường hợp 1: Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo  Điều 226 Bộ luật Hình sự

– Cách thức áp dụng: Gửi đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự đến cơ quan điều tra, viện kiểm sát (Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự, sẽ không xử lý hình sự nếu không có yêu cầu khởi tố của bị hại).

– Điều kiện áp dụng:

+ Đối với pháp nhân vi phạm:

(1) Khi  giá trị hàng giả từ 100 triệu trở lên hoặc thu lợi bất chính hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu quyền SHCN từ 100 triệu trở lên và đã bị xử lý vi phạm hành chính trước đó; hoặc

(2) Khi giá trị hàng hóa hoặc gây thiệt hại cho chủ sở  hữu quyền SHCN từ 300 triệu hoặc thu lợi bất chính từ 200 triệu.

+ Đối với cá nhân vi phạm:  Khi thu lợi bất chính từ 100 triệu trở lên hoặc giá trị hàng giả hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu quyền SHCN từ 200 triệu trở lên

– Mức phạt:

+ Đối với cá nhân: Phạt tiền lên đến 1 tỷ đồng; phạt cải tạo không giam giữ hoặc tù lên đến 03 năm

+ Đối với pháp nhân: Phạt tiền lên đến 5 tỷ đồng; phạt cấm kinh doanh hoặc đình chỉ hoạt động lên đến 03 năm.

Trường hợp 2: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo Điều 192 Bộ luật Hình sự

– Cách thức áp dụng: Gửi tố giác, báo tin về tội phạm đến cơ quan điều tra (theo các Điều 5, Điều 144, 145 và Điều 146 Bộ luật tố tụng hình sự)

– Điều kiện áp dụng: Đối với sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Giá trị hàng giả từ 30 triệu; hoặc dưới 30 triệu nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính trước đó;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến  60%;

+ Thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng;

+  Gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

– Hình phạt:

+ Đối với pháp nhân: Phạt tiền từ 1 đến 9 tỷ đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một thời hạn nhất định hoặc nặng nhất có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

+ Đối với cá nhân: Phạt tiền từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng, phạt tù từ 01 đến 15 năm.