Thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài là một trong những thủ tục pháp lý phức tạp, mất nhiều thời gian cũng như là một trong những rào cản pháp lý làm giảm cơ hội tiếp cận thị trường Việt Nam đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Nhận thấy được vấn đề đó, phạm vi bài viết này xin được chia sẻ một số vấn đề cần lưu ý cũng như trình tự thủ tục để nhà đầu tư nước ngoài có thể thành lập được doanh nghiệp để hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
1. Cơ sở pháp lý
Để nắm được những quy định về vấn đề đầu tư, ngành nghề được phép hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam cũng như trình tự, thủ tục thực hiện thì chúng ta sẽ cần nghiên cứu các văn bản pháp lý liên quan như sau:
– Biểu cam kết gia nhập WTO của Việt Nam;
– Điều ước quốc tế liên quan đến ngành nghề mà nhà đầu tư nước ngoài dự định đầu tư, kinh doanh có thành viên là Việt Nam và quốc gia, khu vực mà nhà đầu tư đó mang quốc tịch;
– Luật Đầu tư 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành;
– Luật Doanh nghiệp 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành;
– Các quy định của pháp luật chuyên ngành liên quan đến ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Các quy định về đầu tư được quy định tại nhiều văn bản khác nhau, tùy thuộc vào ngành nghề đầu tư, kinh doanh thì sẽ áp dụng các quy định điều chỉnh tương ứng. Chính vì quy định pháp luật như vậy, nên cũng là một trong những hạn chế cho các nhà đầu tư muốn tìm hiểu trước thị trường Việt Nam.
2. Cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án đầu tư tại Việt Nam
Một trong những thủ tục pháp lý đầu tiên mà nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện khi đầu tư vào thị trường Việt Nam đó là thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Cụ thể, các trường hợp sau đây sẽ phải xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư:
+ Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài;
+ Dự án đầu tư thành lập tổ chức kinh tế thuộc một trong 3 trường hợp sau: (1) Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc công ty hợp danh có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài; (2) có tổ chức kinh tế như trường hợp (1) nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; (3) có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế như trường hợp (1) nắm giữ trên 50% vốn điều lệ;
Các trường hợp khác như sau sẽ không cần xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là:
+ Dự án đầu tư của nhà đầu tư trong nước
+ Dự án đầu tư thành lập tổ chức kinh tế không thuộc bất trường hợp nào trong 03 trường hợp phải xin cấp phép nêu trên.
+ Đầu tư theo hình thức là góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế.
3. Điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
– Dự án đầu tư không thuộc các ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh
– Có địa điểm thực hiện dự án
– Dự án phù hợp với quy hoạch của quốc gia, vùng, địa phương tại thời điểm nộp hồ sơ
– Đáp ứng điều kiện về suất đầu tư/ diện tích đất xác định, số lượng lao động (nếu có)
– Đáp ứng điều kiện về tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài (theo quy định tại Phụ lục 01 kèm theo Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư 2020.
– Các điều kiện khác tương ứng với từng dự án đầu tư về tính chất, quy mô và địa phương mà nhà đầu tư dự định đầu tư kinh doanh (như: công nghệ sử dụng, địa bàn ưu tiên, …)
4. Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Đối với các trường hợp phải đăng ký đầu tư thì phụ thuộc vào tính chất, quy mô và địa bàn đầu tư thì dự án đó sẽ được chia thành:
+ Dự án phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư (UBND cấp tỉnh, thủ tướng chính phủ hoặc Quốc hội); và
+ Dự án không thuộc trường hợp phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư
Trong cả hai trường hợp nêu trên thì Nhà đầu tư sẽ đều phải chuẩn bị một bộ hồ sơ để nộp cho cơ quan có thẩm quyền tương ứng như sau:
(1) Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư
(2) Tài liệu về tư cách pháp lý (Cá nhân đầu tư: số định danh cá nhân đối với công dân Việt Nam/ bản sao hợp lệ của của một trong các giấy tờ là chứng minh thư, CCCD, hộ chiếu/ hoặc giấy tờ chứng thực cá nhân khác; Tổ chức: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/ Giấy chứng nhận thành lập/ Quyết định thành lập hoặc các tài liệu khác tương đương.
(3) Tài liệu chứng minh về năng lực tài chính của nhà đầu tư
(4) Đề xuất dự án đầu tư
(5) Giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc tài liệu xác định quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư
(6) Giải trình về công nghệ nếu dự án thuộc diện thẩm định, lấy ý kiến về công nghệ theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ
(7) Hợp đồng BCC đối với dự án theo hình thức hợp đồng BCC
(8) Tài liệu khác về dự án, yêu cầu về điều kiện, năng lực của nhà đầu tư (nếu có)
Cơ quan tiếp nhận hồ sơ đăng ký đầu tư:
Đối với hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư
+ Bộ kế hoạch và đầu tư tiếp nhận hồ sơ đăng ký xin chấp thuận chủ trương đầu tư thuộc thẩm quyền cấp phép của Thủ tướng chính phủ và Quốc hội.
+ Sở kế hoạch và đầu tư tiếp nhận hồ sơ đăng ký xin chấp thuận chủ trương đầu tư thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh.
Sau khi
Đối với hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư không thuộc diện xin chấp thuận chủ trương đầu tư
+ Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế: đối với dự án nằm trong các khu trên
+ Sở kế hoạch và đầu tư nơi thực hiện dự án đầu tư, đặt hoặc dự kiến đặt văn phòng điều hành để thực hiện dự án đầu tư: đối với dự án nằm ngoài khu công nghiệp
+ Cơ quan đăng ký đầu tư nơi thực hiện dự án đầu tư, đặt hoặc dự kiến đặt văn phòng điều hành để thực hiện dự án đầu tư: Dự án thực hiện tại 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên, dự án vừa thực hiện ở trong vừa ở ngoài khu CN, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu KT.
Thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của cơ quan đăng ký đầu tư:
+ 05 ngày làm việc từ ngày nhận văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư đối với dự án thuộc diện cấp GCNĐKĐT;
+ 15 ngày từ ngày nhận được đề nghị cấp GCNĐKĐT của nhà đầu tư không thuộc diện xin chấp thuân chủ trương đầu tư.