Thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên là mô hình doanh nghiệp phù hợp dành cho một cá nhân, một tổ chức có nhu cầu đăng ký hoạt động công ty bởi quy định rõ ràng trong cơ cấu tổ chức, hoạt động cũng như sự tách bạch giữa tài sản của cá nhân và tài sản của công ty, chủ sở hữu công ty sẽ chỉ phải chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.

Bài viết này, xin được chia sẻ các quy định pháp lý liên quan đến việc thành lập công ty TNHH một thành viên để giúp quý khách hàng có cái nhìn khái quát nhất về cơ cấu tổ chức hoạt động, đặc điểm cần lưu ý và thủ tục thành lập loại hình doanh nghiệp.

Cơ cấu tổ chức hoạt động công ty TNHH một thành viên

Luật Doanh nghiệp 2020 quy định Công ty TNHH một thành viên gồm 02 loại là do 01 cá nhân làm chủ sở hữu và do 01 tổ chức làm chủ sở hữu.  Trong đó, cơ cấu tổ chức hoạt động của công ty TNHH một thành viên do tổ chức là chủ sở hữu như sau:

+ Tổ chức có thể lựa chọn quản lý và hoạt động theo mô hình: (1) Chủ tịch công ty – Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và (2) Hội đồng thành viên – Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.

+ Công ty phải có ít nhất một người đại diện theo pháp luật là người có chức danh là Chủ tịch hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.  Nếu điều lệ không quy định về vấn đề này thì người đại diện theo pháp luật là Chủ tịch hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty.

Còn đối với công ty TNHH một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu thì sẽ được tổ chức hoạt động theo mô hình Chủ tịch công ty – Giám đốc và Tổng Giám đốc. Trong đó, Chủ sở hữu công ty là Chủ tịch công ty và có thể kiêm nhiệm hoặc thuê người khác làm Tổng giám đốc hoặc Giám đốc công ty.

Những lưu ý khi thành lập công ty TNHH một thành viên

Khi thành lập công ty TNHH một thành viên thì cần lưu ý một số vấn đề như sau:

Thứ nhất, Công ty TNHH một thành viên có tư cách pháp nhân từ thời điểm được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đây là ưu điểm nổi trội hơn hẳn so với mô hình doanh nghiệp tư nhân, bởi doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân. Nhiều tổ chức, cá nhân đều ưu tiên trong việc giao kết hợp đồng với doanh nghiệp  có tư cách pháp nhân hơn là doanh nghiệp tư nhân bởi có sự tách bạch về  tài sản cũng như có cơ cấu, tổ chức rõ ràng.

Thứ hai, không được phát hành cổ phần và có thể được phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, vốn điều lệ của công ty khi đăng ký hoạt động sẽ bằng tổng giá trị tài sản mà chủ sở hữu công ty cam kết góp.

Thứ tư, tài sản sẽ phải được góp đúng và đủ theo cam kết trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (không gồm thời gian vận chuyển, nhập khẩu, thực hiện thủ tục hành chính đối với tài sản cam kết góp). Nếu không góp vốn gây thiệt hại cho công ty thì Chủ sở hữu công ty sẽ phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình.

Thủ tục đăng ký thành lập công ty TNHH một thành viên

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ cần thiết để thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp:

+ Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp (theo mẫu)

+ Điều lệ công ty (tự lập phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành)

+ Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của công ty

+ Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ sở hữu của công ty là cá nhân, Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với chủ sở hữu của công ty là tổ chức; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền

* trường hợp là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của chủ sở hữu sẽ phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

+ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của chủ sở hữu là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài hoặc doanh nghiệp được thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài.

Bước 2: Nộp hồ sơ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền

Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ đăng ký thành lập công ty là Phòng đăng ký kinh doanh thuộc sở kế hoạch và đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Thông qua 03 hình thức như sau:

+ Nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan đăng ký kinh doanh

+ Nộp hồ sơ qua đường bưu chính

+ Nộp hồ sơ qua mạng điện tử

Sau khi nhận hồ sơ thì cơ quan quan đăng ký kinh doanh sẽ trao giấy biên nhận cho người nộp hồ sơ.

Bước 3: Xử lý hồ sơ và cấp phép cho hồ sơ

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ thì cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Nếu hồ sơ chưa hợp lệ thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ thông báo bằng văn bản về nội dung chưa hợp lệ và yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.