Thời gian tính trợ cấp thôi việc

Thời gian tính trợ cấp thôi việc là một trong những nội dung tư vấn pháp luật được người lao động và người sử dụng đặc biệt quan tâm, việc tính toán như thế nào để đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích của các bên là rất quan trọng. Trong nội dung bài viết này, xin được chia sẻ 02 câu hỏi tình huống dưới đây để làm rõ thêm về nội dung này.

Câu hỏi 01: Căn cứ theo điểm a, Khoản 3 Điều 8 của Nghị định 145/2021/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động (thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc) có đề cập đến thời gian thử việc được tính trong khoảng thời gian người lao động làm việc thực tế cho người sử dụng lao động. Tuy nhiên điểm này không đề cập đến thời gian học nghề, tập nghề. Vậy có thể hiểu thời gian đào tạo nghề/ tập nghề sẽ không được tính trợ cấp thôi việc?

Câu hỏi 02: Nghị định 145/2021/NĐ-CP nêu trên có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2021. Vậy với người lao động vào từ 1/2/2021 thì sẽ áp dụng theo nghị định này, theo đó thời gian thử việc sẽ được tính trợ cấp thôi việc. Vậy với người lao động vào làm việc trước ngày 1/2/2021 thì vẫn áp dụng theo nghị định 148/2018/NĐ-CP, tức thời gian thử việc không được trợ cấp thôi việc đúng không?

TRẢ LỜI

Đối với Câu hỏi 01:

Thời gian làm việc để tính trợ cấp  =  Tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế  –  (Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp + Thời gian làm việc đã được trả trợ cấp)

Trong đó, tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động (NSDLĐ) bao gồm:

(1) Thời gian người lao động đã trực tiếp làm việc cho NSDLĐ;

(2) Thời gian thử việc;

(3) Thời gian được người sử dụng lao động cử đi học;

(4) Thời gian nghỉ được hưởng chế độ ốm đau, thai sản theo quy định;

(5) Thời gian nghỉ để điều trị, phục hồi chức năng lao động sau khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được NSDLĐ trả lương theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;

(6) Thời gian nghỉ  để thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật mà được NSDLĐ trả lương;

(7) Thời gian ngừng việc không do lỗi của người lao động;

8/ Thời gian nghỉ hằng tuần theo Điều 111, nghỉ việc hưởng nguyên lương theo Điều 112, Điều 113, Điều 114, khoản 1 Điều 115 theo quy định của Bộ luật lao động 2019;

(8) Thời gian thực hiện nhiệm vụ của tổ chức đại diện người lao động theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 176 Bộ luật lao động 2019 và

(9) Thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo Điều 128 của Bộ luật Lao động 2019.

Theo quy định trên,  thời gian người lao động trực tiếp làm việc cho NSDLĐ cũng sẽ được tính vào Tổng thời gian làm việc thực tế để tính hưởng trợ cấp thôi việc, mất việc cho người lao động. Mặt khác, nếu các trường hợp người lao động ký hợp đồng tập nghề với NSDLĐ hiện nay đều có tham gia lao động, trực tiếp thực hiện công việc và được tính trả lương tập nghề. Vậy thì, thời gian mà người lao động đã trực tiếp làm việc trong quá trình học nghề, tập nghề cũng phải được tính vào Thời gian làm việc thực tế để tính hưởng trợ cấp thôi việc cho người lao động.

Đối với Câu hỏi 02:

Cách hiểu như trên là không phù hợp.

Nghị định 145/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành và thay thế cho Nghị định 148/2018/NĐ-CP kể từ ngày 1/2/2021, nên do đó các quy định của Nghị định 145/2020/NĐ-CP sẽ được áp dụng kể từ ngày 1/2/2021.

–  Về quy định xác định thời gian làm việc thực tế của người lao động để tính trợ cấp thôi việc:

+ Trước 1/2/2021: Áp dụng theo quy định tại Điều 1 Nghị định 148/2018/NĐ-CP, theo đó:

“Thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho NSDLĐ bao gồm: thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho NSDLĐ theo hợp đồng lao động; ….”

+ Kể từ thời điểm 1/2/2021, pháp luật về lao động đã điều chỉnh cách xác định thời gian làm việc thực tế của người lao động. Cụ thể, tại Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định rằng:

“Tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho NSDLĐ bao gồm: thời gian người lao động đã trực tiếp làm việc; thời gian thử việc; …”

Theo đó, kể từ thời điểm 1/2/2021, khi phát sinh trường hợp thôi việc thì việc xác định thời gian làm việc thực tế của người lao động để tính trợ cấp thôi việc, NSDLĐ cần tuân thủ theo quy định mới, (cộng gộp cả thời gian thử việc, thời gian làm việc trực tiếp của người lao động, bất kể người lao động đó vào thử việc/học nghề/tập nghề trước hay sau thời điểm 1/2/2021).