Các nhà đầu tư nước ngoài thường có xu hướng cử người quản lý, điều hành doanh nghiệp, chuyên gia kỹ thuật từ nước mình đến Việt Nam để làm việc tại các công ty do mình xin giấp phép dự án đầu tư thành lập công ty hoặc góp vốn, mua vốn góp để đầu tư vào công ty Việt Nam. Và để người lao động phái cử này đủ điều kiện làm việc tại Việt Nam thì cần phải xin Giấy phép lao động (Work permit) theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Tuy nhiên không phải ai cũng có kinh nghiệm cũng như nắm được các quy định của pháp luật liên quan đến thủ tục, hồ sơ cũng như các trường hợp phải xin và không phải xin giấy phép, chính vì vậy Luật Định Hướng xin chia sẻ bài viết này với các thông tin đầy đủ như sau:
Cơ sở pháp lý liên quan đến Giấy phép lao động
– Căn cứ Bộ luật Lao động 2019;
– Căn cứ nghị định 152/2020/NĐ-CP về người lao động nước ngoài làm việc tại việt nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam;
– Quyết định số 526/QĐ-LĐTBXH về việccông bố thủ tục hành chính mới ban hành, sửa đổi, bổ sung lĩnh vực việc làm thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của bộ lao động – thương binh và xã hội.
Những trường hợp không cần xin Giấy phép lao động
Theo quy định, thì những đối tượng sau đây khi làm việc tại Việt Nam không cần xin giấy phép lao động nước ngoài, cụ thể:
– Chủ sở hữu hoặc thành viên góp vốn công ty TNHH, thành viên hội đồng quản trị công ty CP;
– Trưởng văn phòng đại diện dự án của tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam;
– Vào Việt Nam dưới 03 tháng để chào bán dịch vụ;
-Vào Việt Nam dưới 03 tháng để khắc phục sự cố, tình huống kỹ thuật, công nghệ phức tạp phát sinh hoặc có nguy cơ phát sinh hoặc ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh mà chuyên gia hiện tại ở Việt Nam không xử lý được;
– Lao động di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp trong phạm vi 11 ngành dịch vụ mà Việt Nam mở cửa;
– Vào Việt Nam để cung cấp tư vấn chuyên môn, kỹ thuật, thực hiện các nhiệm vụ về nghiên cứu, thẩm định, xây dựng, quản lý, theo dõi, đánh giá, thực hiện các chương trình và dự án sử dụng ODA theo quy định hoặc được thảo luận trong các ĐUQT về ODA được ký giữa Việt Nam và nước ngoài;
– Được Bộ ngoại giao cấp phép hoạt động thông tin, báo chí;
– Được cơ quan, tổ chức nước khác cử sang Việt Nam để giảng dạy, nghiên cứu tại các trường quốc tế thuộc phạm vi quản lý của đại diện ngoại giao nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam, hoặc được Bộ giáo dục, đào tạo Việt Nam xác nhận về việc giảng dạy, nghiên cứu tại cơ sở giáo dục của Việt Nam;
– Tình nguyện viên được xác nhận bởi tổ chức quốc tế tại Việt Nam hoặc cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài;
– Vào Việt Nam làm việc ở vị trí giám đốc điều hành, chuyên gia, quản lý, lao động kỹ thuật dưới 30 ngày một lần và không quá 90 một năm;
– Vào Việt nam để thực hiện các thỏa thuận quốc tế mà cơ quan, tổ chức cấp tỉnh trở lên ký kết;
– Học sinh, sinh viên đang học tập tại các cơ sở đào tạo nước ngoài có thỏa thuận thực tập tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam;
– Thân nhân của người thuộc cơ quan đại diện nước ngoài ở Việt Nam được Bộ Ngoại giao cấp phép;
– Có hộ chiếu công vụ vào làm việc tại cơ quan, tổ chức chính trị, chính trị -xã hội;
– Trường hợp khác theo quy định.
Hồ sơ, trình tự, thủ tục xin giấy phép lao động
Hồ sơ cấp phép
(1) Văn bản đề nghị cấp giấy phép lao động (theo mẫu)
(2) Giấy khám sức khỏe của người lao động
(3) Lý lịch tư pháp của người lao động ( được cấp trong vòng 6 tháng tính từ ngày nộp hồ sơ và phải được Hợp pháp hóa lãnh sự)
(4) Hộ chiếu của người lao động (chứng thực)
(5) Bằng tốt nghiệp đại học (Hợp pháp hóa lãnh sự)
(6) Giấy xác nhận kinh nghiệm làm việc (Hợp pháp hóa lãnh sự)
(7) 02 ảnh thẻ màu (nền trắng, kích thước 4×6, không chụp quá 6 tháng)
(8) Hợp đồng lao động với công ty tại Việt Nam/ Quyết định tuyển dụng/ Quyết định bổ nhiệm
Trình tự, thủ tục nộp hồ sơ
Bắt đầu tư ngày 1/7/2017 thì tất cả các hồ sơ xin cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài sẽ phải nộp qua mạng điện tử tại trang web: vieclamvietnam.gov. Như vậy, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký xin giấy phép lao động cho người nước ngoài sẽ đăng ký tài khoản để nộp hồ sơ qua mạng.
Bước 1: Người nộp hồ sơ soạn đơn giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài theo mẫu. Sau đó, đăng nhập vào trang mạng điện tử tại trang web: vieclamvietnam.gov và nộp công văn đã soạn giải trình về nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài. Sau đó, hệ thống sẽ tự động gửi về mail người đăng ký phiếu hẹn xử lý hồ sơ.
Bước 2: Sau khi đơn giải trình được chấp thuận thì người nộp sẽ đăng nhập vào hệ thống như nêu tại bước 1 để nộp toàn bộ hồ sơ, lưu ý hồ sơ bản mềm (scan từ bản gốc). Hồ sơ phải được nộp trước 15 ngày tính đến ngày dự kiến sử dụng lao động nước ngoài đó.
Bước 3: Trong vòng 07 ngày làm việc từ ngày nhận đủ bộ hồ sơ, cơ quan tiếp nhận sẽ đánh giá hồ sơ và cấp giấy phép nếu hồ sơ đủ điều kiện. Người nộp hồ sơ nộp bản gốc để đối chiếu sau đó. Trường hợp hồ sơ không được cấp phép lao động thì sẽ nêu rõ lý do bằng văn bản.
Thời hạn của giấy phép lao động
Giấy phép lao động có thời hạn tối đa là 02 năm và sẽ chấm dứt nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Khi chấm dứt hợp đồng lao động;
– Khi hết thời hạn lao động tại Việt Nam;
– Theo thời hạn của thỏa thuận, hợp đồng đối tác giữa Việt Nam và nước ngoài;
– Theo thời hạn của văn bản cử người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam để đàm phán, cung cấp dịch vụ của nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài;
– Theo thời hạn của văn bản cử người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam để thành lập hiện diện thương mại của nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài;
– Theo thời hạn trên giấy chứng nhận của tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế được phép hoạt động tại Việt Nam;
– Theo thời hạn của văn bản chứng minh về người lao động nước ngoài được tham gia vào hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam;
– Theo thời hạn văn bản chứng minh người lao động nước ngoài được tham gia vào hoạt động của công ty nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại ở Việt Nam.
Trước khi hết thời hạn 02 năm từ ngày được cấp phép, nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc tại Việt nam sau 02 năm đó, thì sẽ phải thực hiện thủ tục gia hạn Giấy phép lao động.
Trên đây là một số thông tin liên quan đến thủ tục xin giấy phép lao động cho người nước ngoài tại Việt Nam. Mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ tới Định Hướng để được tư vấn, hỗ trợ.