Đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ là một thủ tục bắt buộc đối với đa số các trường hợp chuyển giao công nghệ hiện nay theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ. Để biết chi tiết hơn về những trường hợp phải đăng ký cũng như các quy định pháp lý liên quan xin xem nội dung bài viết dưới đây:
Những trường hợp phải đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ
Hợp đồng chuyển giao công nghệ và phần chuyển giao công nghệ trong các trường hợp (dự án đầu tư, góp vốn bằng công nghệ, nhượng quyền thương mại, chuyển giao Quyền SHTT, mua bán máy móc thiết bị theo Điều 4.1.d Luật Chuyển giao công nghệ 2017) thuộc trường hợp sau phải đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền:
+ Chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam
+ Chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài
+ Chuyển giao công nghệ trong nước có sử dụng vốn nhà nước hoặc ngân sách nhà nước, trừ trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Loại trừ: Công nghệ hạn chế chuyển giao đã được cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ.
Hồ sơ đăng ký Hợp đồng chuyển giao công nghệ
(1) Đơn đề nghị đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ (Mẫu 01 Phục lục IV – Nghị định 76/2018/NĐ-CP);
(2) Hợp đồng chuyển giao công nghệ (bản gốc) hoặc bản sao có chứng thực hợp đồng bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Nếu các bên tham gia hợp đồng đều là tổ chức, cá nhân Việt Nam thì sẽ chỉ cần bản bằng tiếng Việt. Lưu ý Hợp đồng phải được ký, đóng dấu đầy đủ như sau: Ký và đóng dấu (nếu có) bởi đại diện theo pháp luật của bên chuyển giao và bên chuyển giao đồng thời ký nháy và vào mỗi trang bởi cả hai bên và đóng dấu giáp lai tất cả các trang;
(3) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy phép thành lập hoặc Giấp phép kinh doanh để chứng minh tư cách pháp lý của bên chuyển giao là tổ chức (bản sao);
(4) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy phép thành lập hoặc Giấp phép kinh doanh để chứng minh tư cách pháp lý bên nhận chuyển giao (bản sao);
(5) Giấy xác nhận tư cách pháp lý của người đại diện các bên tham gia trong hợp đồng. (Nếu là người đại diện theo pháp luật thể hiện trên Đăng ký kinh doanh thì không cần, nếu là người đại diện theo ủy quyền thì cần cung cấp giấy ủy quyền);
(6) Văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư đối với hợp đồng chuyển giao công nghệ (nếu có sử dụng vốn nhà nước).
(7) Giấy uỷ quyền nộp hồ sơ (nếu ủy quyền cho bên khác đi nộp)
Thủ tục, trình tự nộp và tiếp nhận hồ sơ
Cơ quan tiếp nhận hồ sơ:
+ Trường hợp chuyển giao qua việc thực hiện dự án đầu tư:
– Bộ Khoa học và công nghệ cấp phép đối với dự án đầu tư tại Việt Nam thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, thủ tướng chính phủ, bộ, cơ quan trung ương.
– Sở Khoa học và công nghệ cấp phép đối với dự án đầu tư trên địa bàn quản lý thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh, BQL khu công nghiệp, chế xuất, công nghệ cao, khu kinh tế; và các dự án đầu tư khác không thuộc trường hợp quyết định chủ trương đầu tư.
+ Trường hợp chuyển giao công nghệ độc lập và hình thức khác:
– Bộ Khoa học và công nghệ cấp phép đối với chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam và chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài.
– Sở Khoa học và công nghệ cấp phép đối với chuyển giao công nghệ trong nước có sử dụng vốn hoặc ngân sách nhà nước và trường hợp tự nguyện đăng ký đối với chuyển giao công nghệ trong nước.
Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ
Trong vòng 05 ngày làm việc từ ngày nhận được hồ sơ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền tương ứng theo quy định tại Mục 2.2 nêu trên sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ.
Trường hợp hồ sơ chưa đủ, trong vòng 03 ngày làm việc từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền sẽ gửi văn bản yêu cầu bổ sung.
Trường hợp hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung thì trong vòng 05 ngày từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền có văn bản yêu cầu sửa đổi, bổ sung.
Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện cấp phép sẽ từ chối trong vòng 05 ngày làm việc từ ngày nhận hồ sơ và nêu rõ lý do từ chối bằng văn bản.
Những lưu ý khi đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ
Thời điểm có hiệu lực của Hợp đồng chuyển giao công nghệ
– Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng chuyển giao công nghệ thuộc trường hợp phải đăng ký sẽ có hiệu lực từ thời điểm cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ.
– Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng chuyển giao công nghệ không thuộc trường hợp phải đăng ký sẽ có hiệu lực theo thỏa thuận của các bên. Nếu tính đến thời điểm đăng ký mà các bên chưa thực hiện hợp đồng thì hợp đồng có hiệu lực từ thời điểm cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ
Điều khoản chuyển tiếp về các trường hợp đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ
– Hợp đồng ký trước ngày 01/07/2018 sau khi Luật Chuyển giao công nghệ có hiệu, nếu các bên gia hạn nội dung chuyển giao công nghệ thuộc trường hợp phải đăng ký theo mục 1 thì sẽ thực hiện trình tự, thủ tục gia hạn theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ.
– Hợp đồng chuyển giao công nghệ ký trước ngày 01/07/2018 sau khi Luật Chuyển giao công nghệ có hiệu lực, nếu các bên có nhu cầu đăng ký chuyển giao công nghệ thì sẽ thực hiện trình tự, thủ tục đăng ký theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ. Nếu đăng ký gia hạn thì sẽ thực hiện trình tự, thủ tục gia hạn theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ.
=> Đối với trường hợp hợp đồng trước ngày 01/07/2018 chỉ phải thực hiện thủ tục đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền nếu như gia hạn nội dung thực hiện (trường hợp chỉ sửa đổi mà không gia hạn sẽ không phải đăng ký).