Câu hỏi tư vấn pháp luật lao động: Công nhân viên A vi phạm nội quy của công ty vào ngày 06 tháng 02 năm 2020, sau công ty quyết định xử lý kỷ luật theo hình thức kéo dài thời hạn tăng lương không quá 06 tháng kể từ ngày 01/01/2021. Thời gian tăng lương định kỳ của công ty là vào ngày 01/01 hàng năm, do đó nếu như không áp dụng hình thức kéo dài thời hạn tăng lương từ 01/01/2021 thì sẽ không thể áp dụng được hình thức kỷ luật này.
Vậy hiệu lực của quyết định của công ty có phù hợp theo quy định của luật hay không?
Trả lời:
Tình huống trên xảy ra từ thời điểm năm 2020 nên vẫn áp dụng theo quy định của Bộ luật lao động 2012 (hết hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021) và được thay thế bởi Bộ luật lao động 2019.
Thứ nhất, Căn cứ Điều 124 BLLĐ 2012 về thời hiệu xử lý kỷ luật lao động thì:
+ Thời hiệu xử lý kỷ luật lao động tối đa là 06 tháng từ ngày xảy ra hành vi vi phạm. Nếu hành vi vi phạm liên quan trực tiếp đến tài chính, tài sản, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ của người sử dụng lao động thì thời hiệu xử lý kỷ luật lao động kéo dài tối đa là 12 tháng.
+ Quyết định xử lý kỷ luật lao động người lao động phải được ban hành trong thời hiệu xử lý kỷ luật lao đông (cụ thể theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 124 BLLĐ 2012 đối với từng trường hợp cụ thể.
Như vậy, trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm hoặc 12 tháng từ ngày xảy ra hành vi vi phạm liên quan đến tài chính, tài sản, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ thì người sử dụng lao động phải tiến hành họp xử lý kỷ luật theo quy định và ban hành quyết định sử lý kỷ luật đối với người lao động. Đối với trường hợp theo quy định tại 2 Điều 124 BLLĐ 2012 (gồm: (1) Nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động; (2) Đang bị tạm giữ, tạm giam; (3) Đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm theo quy định) thì thời hiệu xử lý kỷ luật được kéo dài thêm tối đa 60 ngày.
Thứ hai, Căn cứ Điều 125 BLLĐ 2012 về hình thức xử lý kỷ luật lao động thì thời gian kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng. Nên trong quyết định cần quy định rõ về thời hạn kéo dài nâng lương không quá 06 tháng. Bên cạnh đó, cần có căn cứ chứng minh hành vi vi phạm của người lao động thuộc trường hợp bị kéo dài thời hạn nâng lương theo nội quy lao động hoặc theo quy định của pháp luật.
Kết luận, Pháp luật về lao động hiện tại có quy định giới hạn về thời hiệu xử lý kỷ luật và thời gian kéo dài nâng lương, tuy nhiên không hướng dẫn/quy định chi tiết hoặc giới hạn về thời điểm người sử dụng lao động phải thực thi biện pháp xử lý kỷ luật đối với người lao động.
Việc nâng lương được thực hiện theo quy chế/quy trình riêng biệt, đặc thù của từng doanh nghiệp. Do đó, về tính thực tiễn, thời điểm thi hành kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương cũng sẽ linh hoạt theo từng doanh nghiệp. Người sử dụng lao động có thể linh hoạt quy định tại Quyết định xử lý kỷ luật về việc hình thức kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương sẽ được áp dụng vào kỳ tăng lương tiếp theo.
Với tình huống cụ thể này, có thể quy định thời điểm thi hành xử ký kỷ luật Kéo dài thời hạn nâng lương đối với người lao động tính kể từ 01/01/2021 đến khi hết thời hạn kéo dài nâng lương. Hết thời hạn trên, người lao động được xem xét để nâng lương theo quy định.