Tư vấn, soạn thảo hợp đồng thuê nhà xưởng

Hợp đồng thuê nhà xưởng là một trong những loại hợp đồng phổ biến đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh để thuê địa điểm hoạt động sản xuất. Đây là một văn bản quan trọng để xác lập thỏa thuận giữa bên cho thuê và bên thuê nên cần phải đảm bảo soạn thảo hợp đồng cân bằng được lợi ích của các bên, hạn chế rủi ro pháp lý có thể phát sinh, tạo điều kiện cho bên thuê có thể an tâm đầu tư sản xuất kinh doanh ổn định, lâu dài.

Trong phạm vi bài viết này, Luật Định Hướng xin giới thiệu một số lưu ý liên quan đến việc soạn thảo hợp đồng thuê nhà xưởng dựa trên kinh nghiệm thực tiễn phong phú của chúng tôi khi hỗ trợ khách hàng rà soát, soạn thảo hợp đồng nhiều năm.

Nội dung cơ bản của Hợp đồng thuê nhà xưởng

Thông thường một hợp đồng thuê nhà xưởng sẽ gồm các nội dung như sau:

+ Thông tin của bên thuê và bên cho thuê

+ Thông tin địa điểm thuê gồm: địa chỉ, diện tích thuê, cơ sở vật chất của địa điểm thuê,…

+ Mục đích thuê nhà xưởng

+ Thời hạn thuê và giá thuê

+ Phương thức thanh toán

+ Quyền lợi và nghĩa vụ của các bên

+ Điều khoản bất khả kháng

+ Điều khoản giải quyết tranh chấp

+ Các điều khoản khác: phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại, số lượng văn bản, ngôn ngữ hợp đồng (nếu hợp đồng lập bằng tiếng nước ngoài bên cạnh tiếng Việt), chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, cam kết thực hiện hợp đồng,…

Một số lưu ý khi soạn thảo nội dung hợp đồng thuê nhà xưởng

Khi soạn thảo hợp đồng thì các bên cần lưu ý một số vấn đề sau:

Đối với bên thuê

+ Cần xác định quyền cho thuê hợp pháp, được phép cho thuê lại của bên cho thuê nhà xưởng. Có thể yêu cầu giấy tờ pháp lý để chứng minh như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hợp đồng/ thỏa thuận thuê với chủ nhà xưởng, hoặc bên có quyền cho thuê lại hợp pháp khác, đồng thời yêu cầu bên cho thuê cam kết không có tranh chấp phát sinh làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của bên thuê.

+ Bên thuê cũng nên thỏa thuận kỹ càng về điều kiện tăng giá trong suốt thời hạn thuê, ví dụ như giới hạn về tỷ lệ tăng giá theo các năm theo một tỷ lệ xác định: năm thứ nhất là A, năm thứ hai là 102% của A (gọi là B), năm thứ ba là 102% của B,… hoặc một mức giá cố định trong suốt thời hạn hợp đồng. Mục đích của điều khoản này nhằm đảm bảo rằng bên cho thuê sẽ không được phép tăng giá hoặc không tăng giá thuê nằm ngoài sự kiểm soát của bên thuê.

+ Nếu bên thuê có ý định thuê lâu dài thì nên bổ sung quy định liên quan đến việc được quyền ưu tiên thuê tiếp khi hết hạn hợp đồng. Đồng thời có thể bổ sung quy định về đơn giá thuê nếu gia hạn hợp đồng để đề phòng trường hợp bên thuê tăng giá quá cao để bên thuê không thể tiếp tục thuê được.

+ Bên cạnh đó, bên thuê cần lưu ý đến quy định về phạt vi phạm và trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu như bên cho thuê không thể tiếp tục cho thuê theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng dẫn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của bên thuê không được ổn định liên tục.

Đối với bên cho thuê

+ Lợi ích đầu tiên mà bên cho thuê hướng tới khi cho thuê nhà xưởng là khoản phí nhận được từ việc cho thuê đó. Nên bên cho thuê cần đảm bảo quy định về phương thức thanh toán, thời hạn thanh toán rõ ràng. Đồng thời ràng buộc trách nhiệm thanh toán bằng việc phạt vi phạm và đặt cọc cho hợp đồng thuê bằng một giá trị nào do các bên thỏa thuận.

+ Làm rõ về mục đích sử dụng nhà xưởng của bên thuê, yêu cầu bên thuê cam kết chỉ dùng nhà xưởng cho đúng những mục đích quy định trong hợp đồng. Đảm bảo bên thuê sẽ hoàn trả mặt bằng đúng hiện trạng cho thuê ban đầu khi hết thời hạn thuê (trừ những hao mòn tự nhiên). Bên cho thuê có thể quy định được phép sử dụng khoản đặt cọc đã thỏa thuận để sửa chữa, khắc phục những hư hỏng, tổn thất của nhà xưởng cho lỗi của bên thuê gây ra.

+ Quy định bên thuê không được tự ý thay đổi kết cấu nhà xưởng, không được phép cho thuê lại trừ trường hợp được sự đồng ý của bên cho thuê.

+ Bên thuê phải đảm bảo tuân thủ các quy định về PCCC và an ninh trật tự theo quy định.

Các quy định khác để đảm bảo quyền lợi của cả hai bên

+ Quy định về phương thức giải quyết tranh chấp là thương lượng, hòa giải, nếu vẫn không đạt thỏa thuận thì có thể lựa chọn trọng tài hoặc tòa án tùy theo thỏa thuận của các bên.

+ Quy định về các trường hợp được phép chấm dứt hợp đồng, ví dụ một bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng nghiêm trọng như: không thanh toán tiền thuê, hoặc không đảm bảo việc cho thuê được liên tục,…

+ Điều khoản bất khả kháng là các trường hợp xảy ra mà các bên không thể lường trước được như thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, … khiến các bên không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng hoặc phải trì hoãn việc thực hiện hợp đồng…

+ Ngoài ra, còn phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể để bổ sung các điều khoản khác để rõ ràng, phù hợp với mong muốn cụ thể của các bên cho thuê và bên thuê.

Trên đây là tư vấn của Luật Định Hướng về hợp đồng cho thuê nhà xưởng, mọi vấn đề tư vấn liên quan xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi để được hỗ trợ.