Để đảm bảo có đầy đủ cơ sở pháp lý để hoạt động kinh doanh thì các tổ chức, cá nhân phải đăng ký thành lập doanh nghiệp hoặc thành lập hộ kinh doanh (trừ những trường hợp kinh doanh nhỏ lẻ không cần phải đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 2 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp).
Thủ tục pháp lý liên quan đăng ký doanh nghiệp là một thủ tục phổ biến nhưng không phải ai cũng nắm được quy định của pháp luật cũng như có kinh nghiệm để thực hiện thủ tục này. Chính vì vậy, Luật Định Hướng cung cấp dịch vụ tư vấn thành lập công ty miễn phí để khách hàng nắm được cơ bản các quy định liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp. Cụ thể như sau:
1. Lựa chọn loại hình doanh nghiệp đăng ký phù hợp
Trước hết, để lựa chọn được loại hình doanh nghiệp phù hợp thì các tổ chức, cá nhân kinh doanh cần có cái nhìn khái quát nhất về các mô hình doanh nghiệp để lựa chọn phù hợp với nhu cầu của mình:
+ Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH): đây là loại hình doanh nghiệp khá phổ biến được các tổ chức, cá nhân lựa chọn đăng ký kinh doanh gồm công ty TNHH một thành viên và công ty TNHH hai thành viên trở lên. Đây là loại hình doanh nghiệp có thể huy động vốn bằng việc phát hành trái phiếu theo quy định. Cụ thể:
– Công ty TNHH một thành viên: là công ty do 01 cá nhân hoặc 01 tổ chức đầu tư thành lập, chịu trách nhiệm hữu hạn đối với nghĩa vụ của công ty trong phạm vi vốn điều lệ của doanh nghiệp.
– Công ty TNHH hai thành viên trở lên: là công ty có từ 02 đến tối đa là 50 thành viên góp vốn, thành viên của công ty có thể là cá nhân và/ hoặc tổ chức, chịu trách nhiệm hữu hạn đối với nghĩa vụ của công ty trong phạm vi số vốn góp vào công ty.
+ Công ty cổ phần: là một loại hình doanh nghiệp cũng tương đối phổ biến, chỉ đứng sau công ty TNHH; công ty cổ phần có ít nhất từ 03 cổ đông sáng lập và không hạn chế số lượng tối đa, cổ đông công ty có thể là cá nhân và/ hoặc tổ chức, chịu trách nhiệm hữu hạn đối với nghĩa vụ của công ty trong phạm vi số vốn góp vào công ty. Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phiếu, trái phiếu để huy động vốn.
+ Công ty hợp danh: là công ty có ít nhất hai thành viên hợp danh là cá nhân góp vốn thành lập công ty. Các thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty. Công ty hợp danh có thể có thêm thành viên góp vốn là cá nhân và/ hoặc tổ chức, thành viên góp vốn chỉ phải chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ của công ty trong phạm vi số vốn góp vào công ty.
+ Doanh nghiệp tư nhân: là doanh nghiệp do 01 cá nhân làm chủ sở hữu, chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân sẽ chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ của công ty bằng toàn bộ tài sản của mình.
Căn cứ và số lượng thành viên và trách nhiệm của chủ sở hữu công ty, thành viên góp vốn vào công ty mà tổ chức, cá nhân kinh doanh có thể lựa chọn hình thức doanh nghiệp phù hợp với nhu cầu của mình.
2. Lựa chọn tên doanh nghiệp
Khi lựa chọn tên doanh nghiệp thì chủ doanh nghiệp cần phải lưu ý những vấn đề như sau:
+ Tên doanh nghiệp gồm 2 phần là tên của loại hình doanh nghiệp và tên riêng. Trong đó tên loại hình doanh nghiệp là bắt buộc gồm: Công ty TNHH, Công ty cổ phần, Công ty hợp danh, Doanh nghiệp tư nhân. Và tên riêng do chủ doanh nghiệp tự đặt và đảm bảo không trùng hoặc gây nhẫm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký trước đó.
Ví dụ: Doanh nghiệp tư nhân A, Công ty TNHH X
+ Không được sử dụng tên của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp để đặt tên riêng, trừ khi được các cơ quan hay tổ chức đó chấp thuận.
+ Đồng thời, tên của doanh nghiệp không được vi phạm về đạo đức, văn hóa, thuần phong, mỹ tục và truyền thống dân tộc.
3. Lựa chọn địa chỉ đặt trụ sở doanh nghiệp
Địa chỉ làm trụ sở của doanh nghiệp không được là nhà chung cư hoặc nhà tập thể. Trừ trường hợp chung cư được phép kinh doanh như tòa nhà văn phòng hoặc khu vực văn phòng trong tòa chung cư có chức năng kinh doanh theo giấy phép của chủ đầu tư xây dựng. Và phải có giấy tờ chứng minh về việc đủ điều kiện kinh doanh đó.
4. Đăng ký vốn điều lệ của doanh nghiệp
Pháp luật không quy định về mức vốn điều lệ tối đa hoặc tối thiểu mà doanh nghiệp phải đăng ký (trừ những ngành nghề đầu tư, kinh doanh yêu cầu về vốn pháp định). Do đó, chủ doanh nghiệp sẽ tự quyết định về số vốn điều lệ phù hợp với nhu cầu hoạt động của mình.
Nhưng cần lưu ý rằng việc đăng ký vốn điều lệ cần phù hợp với quy mô kinh doanh vì thủ tục điều chỉnh giảm vốn điều lệ tương đối phức tạp.
5. Lựa chọn ngành nghề kinh doanh
Ngành nghề kinh doanh là điều kiện tiên quyết quyết định việc đăng ký thành lập doanh nghiệp, bởi nếu đăng ký kinh mà không biết đăng ký kinh doanh ngành nghề gì thì sẽ không thể thực hiện được.
Khi lựa chọn ngành nghề kinh doanh, thì các tổ chức, cá nhân cũng cần lưu ý đến điều kiện đầu tư, kinh doanh của các ngành nghề dự định kinh doanh đó như: có thuộc trường hợp cấm kinh doanh hay không? có điều kiện riêng biệt theo quy định của pháp luật chuyên ngành hay không? và mình có đáp ứng điều kiện đó để được đầu tư, kinh doanh hay không?.
Khi thành lập doanh nghiệp và chuẩn bị cơ bản cho hoạt động đầu tư kinh doanh thì càng am hiểu về mô hình hoạt động, các quy định của pháp luật liên quan đến ngành nghề kinh doanh bao nhiêu thì sẽ càng hạn chế được những rủi ro pháp lý liên quan, cũng như hạn chế việc sửa đổi, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi phát sinh trong quá trình hoạt động.
Khi kết hợp 05 mục nêu trên, về cơ bản các tổ chức, cá nhân kinh doanh đã định hình cho mình một mô hình kinh doanh phù hợp và sẵn sàng để đăng ký hoạt động kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh.
Liên hệ tới Luật Định Hướng để được tư vấn cụ thể miễn phí về từng ngành nghề kinh doanh và các vấn đề pháp lý liên quan khi thành lập công ty.