Nhà thầu xây dựng nước ngoài (không có hiện diện thương mại tại Việt Nam) có được phép mở văn phòng điều hành để thực hiện hoạt động xây dựng tại Việt Nam, điều kiện để được cấp phép thực hiện dịch vụ, trách nhiệm liên quan của nhà thầu nước ngoài khi hoạt động như vậy là gì? Hãy cùng tìm hiểu các nội dung tư vấn pháp lý sau đây:
Nhà thầu nước ngoài có được phép thành lập văn phòng điều hành(VPĐH) để thực hiện hoạt động xây dựng tại Việt Nam không gắn liền thành lập pháp nhân hay không?
Quy định liên quan đến nhà thầu nước ngoài thực hiện hoạt động xây dựng tại Việt Nam như sau:
+ Tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép hoạt động đầu tư xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam.
+ Nhà thầu trong hoạt động đầu tư xây dựng là tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực hoạt động, năng lực hành nghề xây dựng khi tham gia quan hệ hợp đồng trong hoạt động đầu tư xây dựng.
– Nhà thầu là tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam phải tuân thủ quy định của pháp luật đấu thầu và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền về xây dựng cấp giấy phép hoạt động.
– Nhà thầu nước ngoài lập VPĐH sau khi được cấp Giấy phép hoạt động xây dựng để thực hiện nhiệm vụ nhận thầu.
Do đó, Nhà thầu nước ngoài (không có hiện diện thương mại tại Việt Nam) được phép thực hiện thi công xây dựng công trình tại Việt Nam dưới hình thức lập VPĐH.
Điều kiện cần đáp ứng trước khi thực hiện hoạt động xây dựng tại Việt Nam đối với Nhà thầu nước ngoài (đặc thù so với nhà thầu trong nước)
Để được cấp Giấy phép hoạt động xây dựng (GPHĐXD), nhà thầu nước ngoài phải đáp ứng các yêu cầu như sau
+ Đã có quyết định trúng thầu hoặc được chọn thầu của chủ đầu tư;
+ Có đủ điều kiện năng lực phù hợp với công việc nhận thầu theo quy định của pháp luật về xây dựng;
+ Phải liên danh với nhà thầu tại Việt Nam hay sử dụng nhà thầu phụ tại Việt Nam, trừ khi nhà thầu tại Việt Nam không đủ năng lực để tham gia vào bất kỳ công việc nào của gói thầu;
+ Cam kết thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động nhận thầu tại Việt Nam.
VPĐH là văn phòng của nhà thầu nước ngoài được đăng ký hoạt động ở địa phương có công trình xây dựng để thực hiện nhiệm vụ nhận thầu khi đã được cấp GPHĐXD. VPĐH chỉ tồn tại trong thời gian thực hiện hợp đồng và giải thể khi hết hiệu lực của hợp đồng.
Trách nhiệm của nhà thầu nước ngoài trong quá trình thực hiện hoạt động xây dựng tại Việt Nam
Nộp thuế nhà thầu nước ngoài
Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và GTGT
Theo đó, nhà thầu nước ngoài có thể lựa chọn 1 trong 2 phương pháp tính nộp thuế nhà thầu (thực tế thường chọn phương pháp 2):
Phương pháp 1: Nộp thuế TNDN trên cơ sở kê khai doanh thu, chi phí để xác định thu nhập chịu thuế TNDN
+ Điều kiện (đủ):
– Có cơ sở thường trú tại Việt Nam, hoặc là đối tượng cư trú tại Việt Nam;
– Thời hạn kinh doanh tại Việt Nam theo hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ từ 183 ngày trở lên kể từ ngày hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ có hiệu lực;
– Áp dụng chế độ kế toán Việt Nam và thực hiện đăng ký thuế, được cơ quan thuế cấp mã số thuế.
+ Các loại thuế phải nộp: Thuế GTGT: đầu ra 10% và Thuế TNDN: 20%
Phương pháp 2: Nộp thuế TNDN theo tỷ lệ % tính trên doanh thu
+ Điều kiện (đủ):
– Các điều kiện như Phương pháp 1; và
– Đăng ký với CQT nộp thuế theo PP khấu trừ và nộp thuế TNDN theo tỷ lệ % trên doanh thu
+ Các loại thuế phải nộp:
– Thuế GTGT: đầu ra 10% và Thuế TNDN: 2% giá trị trị Hợp đồng (tổng tiền thực trả của dự án)
Thuế thu nhập cá nhân (TNCN)
VPĐH trả thu nhập từ tiền lương, tiền công thực hiện kê khai, nộp thuế và quyết toán thuế theo quy định:
+ Đối với cá nhân cư trú (1 trong 3 điều kiện: ở VN từ 183 ngày trở lên; có nơi ở thường xuyên tại VN từ 183 ngày trở lên; có HĐ thuê nhà có thời hạn từ 183 ngày trở lên):
– Thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập
– Thuế suất: áp dụng biểu thuế lũy tiến từng phần (HĐLĐ từ 3 tháng trở lên), áp dụng thuế suất 10% (HĐLĐ thời vụ dưới 3 tháng)
+ Đối với cá nhân không cư trú (không đáp ứng điều kiện như cá nhân cư trú):
– Thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh tại Việt Nam, không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập
– Thuế suất: 20%
Trách nhiệm về Hóa đơn
VPĐH thông báo phát hành hóa đơn GTGT hoặc mua hóa đơn của cơ quan thuế:
– Thầu phụ tại Việt Nam xuất hóa đơn GTGT cho VPĐH dự án theo hợp đồng đã ký kết giữa nhà thầu nước ngoài và nhà thầu phụ Việt Nam.
– VPĐH dự án xuất hóa đơn cho chủ đầu tư (thuế suất 10%) theo hợp đồng đã ký kết giữa chủ đầu tư và nhà thầu nước ngoài.
Trách nhiệm về lao động, quản lý chất lượng công trình
Tuyển dụng, sử dụng lao động, nhà thầu phụ
+ Tuyển dung và sử dụng lao động Việt Nam và nước ngoài theo quy định pháp luật về lao động, chỉ được đăng ký vào Việt Nam những chuyên gia quản lý kinh tế, kỹ thuật và người có tay nghề cao mà Việt Nam không đủ khả năng đáp ứng.
+ Trước khi tuyển lao đông nước ngoài, nhà thầu có trách nhiệm kê khai số lượng trình độ, năng lực chuyên môn, kinh nghiệm của người lao động cần huy động để thực hiện gói thầu tại Việt Nam và đề nghị tuyển người lao động nước ngoài vào các các vị trí công việc dự kiến kèm xác nhận của chủ đầu tư và chủ tịch UBND cấp tỉnh nơi thực hiện gói thầu.
Bảo hiểm
Mua bảo hiểm theo quy định của pháp luật Việt Nam đối với công việc của nhà thầu
Đăng kiểm vật tư, thiết bị, quản lý chất lượng công trình
+ Đăng kiểm chất lượng vật tư, thiết bị nhập khẩu cung cấp theo hợp đồng nhận thầu.
+ Đăng kiểm an toàn thiết bị thi công xây dựng và phương tiện giao thông liên quan đến hoạt động kinh doanh của nhà thầu nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Báo cáo
Thực hiện các chế độ báo cáo theo quy định trong GPHĐXD.
Hoàn công
Nhà thầu nước ngoài phải lập hồ sơ hoàn thành công trình; chịu trách nhiệm bảo hành; quyết toán vật tư, thiết bị nhập khẩu; xử lý vật tư, thiết bị còn dư thừa trong hợp đồng thi công xây dựng theo quy định của pháp luật về xuất nhập khẩu; tái xuất các vật tư, thiết bị thi công đã đăng ký theo chế độ tạm nhập-tái xuất; thanh lý hợp đồng; đồng thời thông báo tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc kết thúc hợp đồng, chấm dứt sự hoạt động của VPĐH công trình.